Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị được thành lập trên cơ sở hợp nhất Đảng bộ Khối Các cơ quan tỉnh và Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh theo Quyết định số 1405- QĐ/TU ngày 26/6/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị. Hiện nay, Đảng bộ Khối có 84 TCCS đảng (46 Đảng bộ và 38 Chi bộ cơ sở) với 4.989 đảng viên. Trong 84 TCCS đảng có 23 TCCS đảng doanh nghiệp với 1.546 đảng viên, trong đó: 12 TCCS đảng doanh nghiệp có vốn Nhà nước chiếm trên 50%; 11 TCCS đảng doanh nghiệp ngoài nhà nước (gồm 03 doanh nghiệp có vốn Nhà nước dưới 50% và 08 doanh nghiệp không có vốn nhà nước) với 428 đảng viên.
 Hiện tại Quảng Trị có trên 4.000 doanh nghiệp. Có thể thấy rằng, thời gian vừa qua, tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngoài Nhà nước nói riêng của tỉnh Quảng Trị đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo, góp phần giúp doanh nghiệp giữ được sự ổn định và phát triển, các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách Nhà nước hằng năm đều tăng. Bên cạnh đó, tổ chức Đảng trong doanh nghiệp đã luôn phát huy vai trò hạt nhân chính trị trong lãnh đạo thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần vào sự phát triển kinh tế- xã hội, an ninh- quốc phòng của địa phương. 
Thực hiện Kết luận số 08-KL/TW, ngày 29/7/2010 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 23/11/1996 của Bộ Chính trị (khoá VIII) về tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngày 20/11/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU "Về củng cố, phát triển tổ chức Đảng và tăng cường kết nạp đảng viên trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh"; ngày 18/11/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Quyết định số 399-QĐ/TU "Về ban hành Đề án phát triển tổ chức đảng, đảng viên và các tổ chức chính trị-xã hội trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016- 2020". Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã ban hành Kế hoạch số 24-KH/ĐUK và tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết, đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hướng dẫn của Ban Tổ chức Tỉnh ủy và kế hoạch của Đảng ủy Khối đến đội ngũ cán bộ chủ chốt và sao gửi các văn bản để chỉ đạo các cấp ủy cơ sở tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, Đảng ủy Khối luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên, nhất là về lý luận chính trị. Ngoài việc tạo điều kiện và gửi danh sách để cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong các doanh nghiệp có tổ chức Đảng trực thuộc được tham gia học các lớp Cao cấp, Trung cấp lý luận chính trị do tỉnh tổ chức, từ năm 2014 đến năm 2021 Đảng ủy Khối đã phối hợp với Trường Chính trị Lê Duẩn mở 03 lớp Trung cấp lý luận chính trị gồm 250 học viên là cán bộ, đảng viên được quy hoạch và dự nguồn ở các doanh nghiệp trong Khối. Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị Thành phố Đông Hà xác nhận trình độ sơ cấp lý luận chính trị và mở lớp hoàn chỉnh sơ cấp lý luận chính trị cho hơn 300 cán bộ, đảng viên trong Khối. 
1. Đối với việc củng cố, phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong doanh nghiệp 
 * Về củng cố và phát triển tổ chức Đảng: 
Sau khi có Nghị quyết 03- NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã chỉ đạo Ban Tổ chức xây dựng kế hoạch tiến hành khảo sát, làm việc với các chủ doanh nghiệp nằm trong Khu công nghiệp Nam Đông Hà, Cụm công nghiệp Đông Hà để vận động thành lập tổ chức đảng và phát triển đảng viên ở những doanh nghiệp có đủ điều kiện. Từ năm 2013- 2016, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh đã thành lập được 03 tổ chức cơ sở đảng ở doanh nghiệp ngoài Nhà nước trên địa bàn.
Năm 2021, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã xây dựng chương trình phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh về chương trình “Đồng hành cùng doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025”, trong đó có chỉ tiêu thành lập tổ chức đảng và phát triển đảng viên. Từ cơ sở đó, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối chỉ đạo Ban Tổ chức tiến hành khảo sát và trực tiếp làm việc với các chủ doanh nghiệp ngoài nhà nước để vận động thành lập tổ chức Đảng.
 Về công tác phát triển đảng viên: Trước khi có Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 01-NQ/ĐUK, ngày 15/11/2013 về phát triển đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân trực thuộc Đảng bộ Khối, nhờ vậy công tác phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp ngày càng đi vào nề nếp, kết nạp đảng viên hàng năm tăng cả chất lượng và số lượng, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Từ năm 2017 đến nay Đảng bộ Khối đã kết nạp được 373 đảng viên trong doanh nghiệp (doanh nghiệp có vốn Nhà nước chiếm từ 50% trở lên kết nạp được 258 đảng viên; doanh nghiệp ngoài nhà nước kết nạp được 115 đảng viên, trong đó có 01 đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân). Chỉ đạo Ban Tuyên giáo phối hợp với Ban Tổ chức Đảng ủy mở 14 lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng để tạo nguồn phát triển đảng viên.
2. Đối với việc phát triển các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp.
Tổ chức chính trị - xã hội ở các doanh nghiệp trong Khối có Đoàn thanh niên, Công đoàn và Hội Cựu chiến binh, nhưng chỉ có Đoàn thanh niên trực thuộc Đoàn Khối, còn Công đoàn và Hội Cựu Chiến binh trực thuộc ở các cấp khác nhau. Nhìn chung các tổ chức chính trị- xã hội trong các doanh nghiệp cơ bản hoạt động có hiệu quả, tổ chức được nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Thời gian qua, Ban Thường vụ Đoàn Khối đã phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thành lập tổ chức Đoàn trong các doanh nghiệp, trực tiếp đến gặp chủ doanh nghiệp vận động, thuyết phục chủ doanh nghiệp quan tâm, tạo điều kiện thành lập tổ chức Đoàn thanh niên. Tuyên truyền để chủ doanh nghiệp thấy được vai trò quan trọng của tổ chức Đoàn trong phát động các phong trào thi đua trong lao động sản xuất, trong thực hiện đúng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của doanh nghiệp; giúp thanh niên công nhân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, tác phong làm việc, góp phần nâng cao năng suất lao động, ổn định thu nhập và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. 
Hiện nay có 11 tổ chức Đoàn ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước thuộc Đoàn Khối (trong đó 07 tổ chức Đoàn có tổ chức Đảng, 04 tổ chức Đoàn chưa có tổ chức Đảng). Từ năm 2017 đến nay Đoàn Khối đã thành lập được 6 tổ chức Đoàn và phát triển được 97 đoàn viên ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước. 
3. Những khó khăn, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm
- Khó khăn, hạn chế:
+ Một số cấp ủy Đảng trong doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; việc triển khai cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng vào điều kiện thực tế của doanh nghiệp còn lúng túng; chế độ sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ chưa được duy trì thường xuyên, nội dung và chất lượng sinh hoạt chưa được đổi mới, tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt chưa cao.
+ Việc phát huy vai trò là hạt nhân chính trị trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh cũng như nhận thức về vị trí, vai trò của tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước của một số cấp ủy Đảng còn chưa sâu sắc và đầy đủ; nội dung, phương thức hoạt động còn lúng túng, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới; việc giữ mối quan hệ giữa cấp ủy Đảng với Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, chủ doanh nghiệp chưa được thường xuyên và chặt chẽ. 
+ Một số cấp ủy Đảng chưa quan tâm đúng mức đến số lượng cũng như chất lượng công tác phát triển đảng viên; một số chi, đảng bộ nhiều năm liền không phát triển được đảng viên; rất ít TCCSĐ trong doanh nghiệp tư nhân có nghị quyết chuyên đề về phát triển đảng viên; việc phát triển đảng viên chỉ thực hiện được ở những nơi đã có tổ chức Đảng, chưa kết nạp được đảng viên ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước chưa có tổ chức Đảng.
+ Việc khảo sát và thành lập tổ chức Đảng có những khó khăn; do tập trung chủ yếu vào việc sản xuất kinh doanh nên chủ doanh nghiệp ngoài nhà nước chưa thực sự quan tâm đến việc thành lập tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội và kết nạp đảng viên, đoàn viên, hội viên. 
- Nguyên nhân:
+ Một số doanh nghiệp ngoài nhà nước nhận thức chưa sâu sắc, đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của tổ chức đảng, đảng viên và tổ chức chính trị- xã hội trong doanh nghiệp.
+ Các doanh nghiệp ngoài nhà nước của tỉnh chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn và hầu hết là chưa có đảng viên, hoặc chỉ có 1-2 đảng viên, lực lượng lao động ít, không ổn định; một số doanh nghiệp không có nguồn để kết nạp đảng hoặc có vướng về lịch sử chính trị; một số quần chúng chưa có động cơ phấn đấu để kết nạp vào Đảng.
+ Do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid- 19 nên một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, việc làm, thu nhập của người lao động không ổn định, đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phát triển tổ chức đảng, đảng viên và các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp.
- Bài học kinh nghiệm:
+ Cần nghiên cứu xây dựng và bàn hành các nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng Đảng sát với tình hình thực tế và phù hợp với các loại hình doanh nghiệp trong Khối.
+ Các cấp ủy Đảng phải tuyên truyền, quán triệt thường xuyên nghị quyết, quyết định và các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy của Đảng ủy Khối về việc thành lập tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội và phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên, để các tổ chức cơ sở đảng, chủ doanh nghiệp nâng cao nhận thức và có trách nhiệm tổ chức thực hiện.
+ Cần tích cực, kiên trì tuyên truyền, vận động, thuyết phục để các chủ doanh nghiệp thấy được vai trò, lợi ích của việc thành lập tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội và phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên trong doanh nghiệp. 
+ Cấp ủy cấp trên trực tiếp thường xuyên theo dõi, hỗ trợ, đề xuất với các cấp, các ngành kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; động viên, biểu dương, khen thưởng kịp thời kịp thời các tổ chức cơ sở đảng làm tốt công tác xây dựng Đảng...
4. Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Thứ nhất, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cải tiến lề lối làm việc theo hướng bám sát thực tiễn, sâu sát cơ sở để nắm chắc tình hình, đề xuất những chủ trương, giải pháp sát đúng, kịp thời, có chất lượng và hiệu quả thiết thực; luôn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động; coi trọng việc xây dựng và thực hiện các nghị quyết chuyên đề để tạo chuyển biến rõ nét trong từng lĩnh vực. Đổi mới việc học tập, quán triệt nghị quyết gắn với xây dựng chương trình hành động phù hợp với tình hình thực tiễn và loại hình doanh nghiệp. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong Đảng, giảm hội họp.
Thứ hai, phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh kịp thời nắm bắt tình hình, tổng hợp những khó khăn vướng mắc nổi cộm và những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp để đề xuất với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh kịp thời tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, làm nền tảng để xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh. Định kỳ tổ chức chương trình “ Cà phê doanh nghiệp” theo từng chủ đề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh phù hợp.
Thứ ba, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp thuộc Khối đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, đề án, văn bản của cấp ủy cấp trên về phát triển tổ chức Đảng, tổ chức chính trị- xã hội và phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên cũng như 03 nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng Đảng mà Ban Chấp hành Đảng bộ Khối đã ban hành phù hợp với tình hình thực tế. Tích cực vận động các chủ doanh doanh nghiệp ngoài nhà nước không thuộc khối ở các địa bàn phân công để thành lập tổ chức Đảng, tổ chức chính trị- xã hội và phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên khi đủ điều kiện. Chỉ đạo Đoàn Khối làm tốt công tác phát triển tổ chức đoàn và phát triển đoàn viên ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước, từ đó xây dựng cơ sở đoàn vững mạnh, tạo nền tảng để phát triển đảng viên, tiến tới thành lập tổ chức Đảng.
Thứ tư, xây dựng quy chế làm việc của cấp ủy cụ thể, phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp; thường xuyên giữ mối quan hệ chặt chẽ giữa cấp ủy với Hội đồng quản trị, Ban giám đốc, chủ doanh nghiệp. Chú trọng giáo dục, bồi dưỡng để phát triển đảng viên trẻ trong công nhân, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý của doanh nghiệp, đoàn viên công đoàn và đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên được học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị. 
Thứ năm, thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp; quan tâm tạo điều kiện về thời gian, kinh phí, cơ sở vật chất cho các tổ chức đoàn thể hoạt động có hiệu quả; chú trọng tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, đồng thời đề cao trách nhiệm tham gia xây dựng Đảng của các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp.
Kịp thời nắm bắt và định hướng tư tưởng, dư luận trong cán bộ, đảng viên và người lao động; có biện pháp đấu tranh chống các quan điểm sai trái, cá nhân chủ nghĩa gây mất đoàn kết nội bộ trong doanh nghiệp; giải quyết tốt những vấn đề nổi cộm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp... 

    Số 57--NQ/TW

    Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (22/12/2024)

    71/NQ-HDND

    Nghị quyết về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Giải phóng mặt bằng xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị (giai đoạn 1) (09/10/2024)

    08-CT/TU

    Chỉ thị số 08-CT/TU, ngày 27/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống Covid-19 trên địa bàn tỉnh. (08/01/2024)

    35-CT/TU

    Chỉ thị của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ, góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. (10/12/2023)

    34-CT/TU

    Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024 (07/12/2023)

Đang truy cập: 7

Hôm nay: 98

Tổng lượt truy cập: 273,217

Đăng nhập