Nhận biết một số đặc điểm của tin giả, tin sai sự thật: Tin giả, tin sai sự thật xuất hiện trên mạng xã hội thường là những bản tin ngắn, cách trình bày văn bản không theo một quy tắc nào; phổ biến nhất là nó thường chỉ có một ý chính, không có lập luận, không có căn cứ vào văn bản nào, nguồn thông tin nào (nhưng nếu có ghi nguồn cũng chắc gì tin thật, vì người làm tin giả có thể dẫn nguồn giả để tạo niềm tin đối với người dùng). Tin giả thường mắc lỗi sai ngữ pháp, sai chính tả nếu là văn bản hành chính thì thường là sai thể thức hoặc ký hiệu văn bản không theo quy tắc. Không tương tác nếu thông tin nghi ngờ chưa được xác thực: Một trong những cách đơn giản nhất dành cho người không có điều kiện dùng các kỹ năng trên để kiểm chứng thông tin, người dùng mạng xã hội có thể hỏi trực tiếp hoặc sao chép (Copy) nội dung thông tin nghi ngờ gửi riêng qua tin nhắn qua massege trên mạng xã hội hoặc tin nhắn qua số điện thoại di động đến người thân, người sống chung quanh, người có kiến thức, hiểu biết, cán bộ, công chức, viên chức, nếu tiếp cận được với cán bộ lãnh đạo càng tốt để kiếm chứng nguồn tin có thật không, có chính xác không. Trường hợp không hoặc chưa kiểm chứng được thông tin bằng cách này, người dùng tiếp tục theo dõi và chờ đợi đến khi có sự xác thực thông tin của cơ quan chức năng thông qua báo, đài…Trong khi chờ đợi xác thực thông tin, người dùng nên áp dụng phương pháp 4 không: Không hoang mang, không thích (No like), không bình luận (No Comment), không chia sẻ (No Share) và không phổ biến nguồn tin đó cho bất cứ ai (trừ những người mà mình cần tham khảo để kiểm chứng).
Giành nhiều thời gian tiếp cận thông tin chính thống, kịp thời báo cơ quan chức năng xử lý các thông tin xấu độc: Hiện nay, có một thực trạng phổ biến là người dùng mạng xã hội, nhất là các bạn trẻ dành quá nhiều thời gian cho việc tiếp cận thông tin trên mạng xã hội, ít dành thời gian cho việc tiếp cận với thông tin trên các trang mạng chính thống. Bây giờ, mọi người nên thay đổi thói quen là xem tin tức hoặc thường xuyên tiếp nhận thông tin về chính sách, pháp luật trên những kênh thông tin chính thống, trên báo điện tử chính thống của nhà nước Việt Nam. Khi phát hiện, những thông tin giả, thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, cần báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời kiểm tra, xử lý (nếu có vi phạm), như: cơ quan công an, cơ quan quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông các cấp.
Người dùng mạng xã hội cũng có thể truy cập vào trang thông tin với tên miền www.tingia.gov.vn của Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) và thao tác theo hướng dẫn trên Cổng thông tin này hoặc gọi đến đường dây nóng (hotline) 18008108 để báo tin giả, tin sai sự thật hoặc tài khoản mạng xã hội, các trang mạng giả mạo cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân... Khi cơ quan chức năng chính thức khẳng định tin giả, tin sai sự thật thì cần thiết chia sẻ, lan toả trên tài khoản của mình nhằm góp phần để cộng đồng mạng nâng cao cảnh giác với nguồn tin xấu, độc, tránh vi phạm pháp luật cho mình, cho cộng đồng và người thân quen.
Cần nắm rõ Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội: Người dùng tài khoản trên mạng xã hội, cần nắm rõ một số quy định của pháp luật, như: Luật Báo chí năm 2016, Luật An ninh mạng, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội năm 2021, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Nếu không có nhiều thời gian thì tối thiểu cũng cần đọc hết điều 4 của Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, gồm 8 khoản như sau:
1. Tìm hiểu và tuân thủ các điều khoản hướng dẫn sử dụng của nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trước khi đăng ký, tham gia mạng xã hội.
2. Nên sử dụng họ, tên thật cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức, cơ quan và đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng, đầu mối liên lạc khi tham gia, sử dụng mạng xã hội.
3. Thực hiện biện pháp tự quản lý, bảo mật tài khoản mạng xã hội và nhanh chóng thông báo tới các cơ quan chức năng, nhà cung cấp dịch vụ khi tài khoản tổ chức, cá nhân bị mất quyền kiểm soát, bị giả mạo, lợi dụng và sử dụng vào mục đích không lành mạnh, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
4. Chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy.
5. Có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo.
6. Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mĩ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
7. Khuyến khích sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước - con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt.
8. Vận động người thân trong gia đình, bạn bè, những người xung quanh tham gia giáo dục, bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh.
Trên đây là các kỹ năng cơ bản nhất khi sử dụng mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường mạng ngày càng lành mạnh.
Đang truy cập: 63
Hôm nay: 311
Tổng lượt truy cập: 216,893