Mục tiêu tổng quát của tỉnh theo Quy hoạch đến năm 2030: Quảng Trị đạt trình độ phát triển thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước, có cơ cấu kinh tế cơ bản là một tỉnh công nghiệp - dịch vụ; là một trong những trung tâm kinh tế tổng hợp của khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, trung tâm hậu cần và trung chuyển hàng hóa của khu vực Đông Nam Á và các hành lang giao thông trong khu vực ASEAN, tiểu vùng sông Mê Công (GMS). Đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao.

Tầm nhìn đến năm 2050: Quảng Trị trở thành tỉnh có nền kinh tế vững mạnh với cơ cấu chính là công nghiệp - dịch vụ và là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ; quốc phòng an ninh được bảo đảm, nhân dân có cuộc sống hạnh phúc.

Phương án tổ chức hoạt động kinh tế – xã hội theo các tiểu vùng gồm: Vùng trung du và đồng bằng cao (từ hai bên quốc lộ 1 đến hai bên đường bộ cao tốc), vùng ven biển, vùng trũng (nằm giữa vùng ven biển và vùng đồng bằng cao), vùng núi phía Tây; với các hành lang phát triển: hành lang phát triển trung tâm (vùng trung du và đồng bằng cao – từ hai bên quốc lộ 1 đến hai bên đường cao tốc Bắc Nam); hành lang phát triển ven biển (trọng tâm là khu công nghiệp khí, công nghiệp đa ngành khai thác lợi thế cảng biển, dịch vụ logistics, đô thị du lịch sinh thái biển và sinh thái vùng cát ven biển gắn với phục hồi hệ sinh thái); hành lang phát triển Đông – Tây dọc theo quốc lộ 9, hành lang phát triển biên giới – hành lang phụ trợ, gắn với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, kết nối với các hành lang Đông – Tây, hàng lang phát triển phụ trợ dọc theo đường 9D, kết nối các điểm đô thị Hồ Xá – Bến Quan – Hướng Phùng với không gian ven biển cũng như vùng núi phía Tây.

Quy hoạch xác định các khâu đột phá phát triển, các nhiệm vụ trọng tâm; cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ tại  Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; trong đó có những nội dung quan trọng như: Tập trung phát triển các nguồn nhiệt điện khí, năng lượng điện gió và công nghiệp khí tại vùng ven biển và đảo Cồn Cỏ; phát triển ngành thương mại, dịch vụ logistics tại khu vực Cam Lộ, Gio Linh, Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, cửa khẩu quốc tế La Lay; hình thành các trung tâm logistics cảng cạn (ICD); phát triển khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo thành khu kinh tế thương mại xuyên biên giới Lao Bảo - Đensavẳn; phát triển cảng Mỹ Thủy trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực và thế giới. Xây dựng và phát triển Quảng Trị trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn đặc trưng riêng về lịch sử - văn hóa ở khu vực miền Trung, đồng thời, là hạt nhân quan trọng trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây. Hình thành thương hiệu du lịch Quảng Trị trên cơ sở khai thác giá trị biểu tượng về sự hồi sinh mạnh mẽ từ đổ nát do chiến tranh tàn phá, ký ức chiến tranh - khát vọng hòa bình. Phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, trọng tâm là phát triển tam giác du lịch Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ và dải đô thị du lịch ven biển, xây dựng cột mốc A11 nhằm khẳng định chủ quyền biên giới quốc gia trên biển, đồng thời là điểm đến du lịch. Kết nối du lịch tìm hiểu lịch sử - chiến tranh cách mạng của Quảng Trị với du lịch các địa phương trong khu vực; phát triển sản phẩm du lịch gắn với Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang; đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng tại khu vực ven biển, ven các hồ và tại vùng núi phía Tây. Đến năm 2030, có ít nhất 01 hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới, có ít nhất thêm 01 di tích quốc gia đặc biệt, 01 di tích quốc gia.

Trên cơ sở đó, quy hoạch, tổ chức lại hệ thống đô thị và tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn. Đến năm 2030, phát triển hệ thống đô thị khi có đủ điều kiện, tiêu chí theo quy định gồm có 18 đô thị: 01 đô thị loại II, 01 đô thị loại IV/III, 03 đô thị loại IV, 04 đô thị loại V/IV, 09 đô thị loại V và 05 đô thị thành lập mới. Đến năm 2050, phát triển hệ thống đô thị gồm có 19 đô thị: 01 đô thị loại II, 01 đô thị loại III, 09 đô thị loại IV, 08 đô thị loại V, gồm 06 đô thị hiện hữu, 02 đô thị phát triển mới. Rà soát, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 24/12/2018, Kết luận số 48- KL/TW, ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 35/2023/NQ-UBTVQH15, ngày 12/072023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.

Quy hoạch đề ra các phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phương án bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh học, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có các nội dung: Đề xuất bổ sung quy hoạch cảng biển Vịnh Mốc. Điều chỉnh hướng tuyến và chuyển điểm đầu cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo sang khu vực huyện Triệu Phong (Triệu Phong - Lao Bảo). Nghiên cứu phát triển đa dạng hóa các loại hình vận tải, bao gồm các loại hình có ưu thế vận tải tại các khu vực có địa hình phức tạp như vận tải băng chuyền, vận tải đường ống. Chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số, xây dựng mạng thông tin di động 5G phủ sóng tại 100% các khu dân cư; 100% khu vực công sở, công cộng được phủ sóng wifi miễn phí. Sáp nhập Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị với Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị thành trường đại học đa ngành theo định hướng ứng dụng, trực thuộc địa phương hoặc thuộc Đại học Huế. Xây dựng nhà thi đấu tiêu chuẩn quốc tế tại khu vực sân bay Quảng Trị, phục vụ cho các chuyến bay quốc tế. Nâng cấp hai Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa và Đakrông thành vườn quốc gia; quy hoạch chuyển tiếp Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ, Khu bảo vệ cảnh quan Rú Lịnh. Thành lập mới Khu bảo vệ cảnh quan Rừng đặc dụng đảo Cồn Cỏ. Nghiên cứu khả năng thành lập Khu bảo tồn biển Vĩnh Thái - Kim Thạch (gò đồi ngầm).

Việc triển khai các dự án sau khi Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt phải bảo đảm phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025 đã được phân bổ cho tỉnh Quảng Trị theo Quyết định số 326/QĐ-TTg, ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ và các quyết định điều chỉnh, bổ sung (nếu có) của cấp có thẩm quyền.

Quy hoạch cũng đề ra danh mục các dự án ưu tiên thực hiện, giải pháp, nguồn lực; sơ đồ, bản đồ quy hoạch và tổ chức công bố, thực hiện. Quyết định phê duyệt Quy hoạch có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành (29/12/2023).

Xây dựng Quy hoạch tỉnh là một nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII nhiệm kỳ 2020 – 2025. Trên cơ sở Quyết định số 776/QĐ-TTg, ngày 08/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 – 2030, Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo thường xuyên, sâu sát các cấp, ngành trong hệ thống chính trị tập trung triển khai xây dựng Quy hoạch tỉnh. Nhằm nâng cao tầm vóc, tính khả thi của Quy hoạch tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tích cực hợp tác với các tổ chức, chuyên gia quốc tế và trong nước trong việc tư vấn, xây dựng, phản biện (hợp tác với tổ chức Singapore Cooperatin Enterprise xây dựng “Báo cáo nghiên cứu định vị kinh tế cấp cao tinh Quảng Trị”, với liên danh Sakae Advisory – Surbana Jurong xây dựng “Ý tưởng Quy hoạch tỉnh Quảng Trị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, với tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu – AVSE Global tham gia phản biện Quy hoạch, tổ chức các cuộc hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu. Quy hoạch tỉnh được lập theo phương pháp tích hợp, đây cách làm mới, lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam; sẽ thay thế cho các loại quy hoạch ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh trước đây, bao gồm quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, quy hoạch sử dụng đất tỉnh, quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh, quy hoạch giao thông tỉnh,… Cùng với sự tham gia tích cực của các cơ quan trong hệ thống chính trị, địa phương và Nhân dân, Quy hoạch tỉnh Quảng Trị đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VIII, kỳ họp thứ 17 thông qua vào ngày 07/12/2023 và đến nay được phê duyệt, là căn cứ quan trọng, định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới, trước mắt là cơ sở để các ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục hoàn thiện các quy hoạch vùng; đồng thời giải quyết vướng mắc của các dự án đầu tư liên quan đến quy hoạch, từ đó tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá đầu tư , kỳ vọng bước phát triển mới của tỉnh nhà./.

    Số 57--NQ/TW

    Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (22/12/2024)

    71/NQ-HDND

    Nghị quyết về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Giải phóng mặt bằng xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị (giai đoạn 1) (09/10/2024)

    08-CT/TU

    Chỉ thị số 08-CT/TU, ngày 27/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống Covid-19 trên địa bàn tỉnh. (08/01/2024)

    35-CT/TU

    Chỉ thị của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ, góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. (10/12/2023)

    34-CT/TU

    Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024 (07/12/2023)

Đang truy cập: 7

Hôm nay: 229

Tổng lượt truy cập: 272,986

Đăng nhập