PHÁT HUY VAI TRÒ CỘNG ĐỒNG TRONG KHAI THÁC CÁC GIÁ TRỊ VĂN HOÁ ĐỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH Ở QUẢNG TRỊ

Thứ tư - 16/02/2022 20:11 531 0
Quảng Trị là một vùng đất có bề dày lịch sử, văn hoá. Trong quá trình hội nhập, Quảng Trị có lợi thế là điểm đầu về phía Việt Nam trên tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây nối với các nước tiểu vùng sông Mê Kông qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo; là điểm giữa của "Con đường di sản miền Trung" nơi hội tụ nhiều di sản thế giới, nhiều lễ hội đặc sắc,cùng với các loại hình du lịch độc đáo có khả năng thu hút ngày càng nhiều du khách và Quảng Trị sẽ làđiểm dừng chân của lữ khách nếu biết khai thác đúng hướng các lợi thế của mình. 
 
Du lịch sinh thái Brai-Tà Puông (Hướng Hóa, Quảng Trị)
Du lịch sinh thái Brai-Tà Puông (Hướng Hóa, Quảng Trị)
Trải qua lịch sử, con người trên mảnh đất này với truyền thống lao động cần cù, chịu thương chịu khó, truyền thống đấu tranh anh dũng kiên cường đã làm nên những kỳ tích hào hùng, tạo ra bản sắc riêng của mình và để lại nhiều di tích lịch sử quý giá. Đặc biệt hệ thống di tích lịch sử chiến tranh cách mạng là điều kiện để phát triển loại hình du lịch hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội kết hợp du lịch tham quan danh lam thắng cảnh, du lịch sinh thái.Đây là tiềm năng cần được khai thác để mời gọi du khách đến với những điểm du lịch đặc sắc, hấp dẫn và kỳ bí trên quê hương Quảng Trị anh hùng.
Nhận thức được những lợi thế đó, từ năm 2000 nhất là từ năm 2005 đến nay, tỉnh Quảng Trị đã có nhiều nỗ lực cố gắng trong việc đầu tư xây dựng và phát triển các khu du lịch. Kết cấu hạ tầng các di tích lịch sử từng bước được trùng tu, tôn tạo và nâng cấp. Nhiều khu du lịch được quy hoạch và xây dựng đã tạo ra một diện mạo mới, hứa hẹn một hướng phát triển của du lịch Quảng Trị và bước đầu đã khẳng địnhđược“thương hiệu” nhất định của mình trên bản đồ du lịch của khu vực.
Vấn đề đặt ra và cần phải tìm được lời giải là điều gì để hấp dẫn và thu hút được du khách đến với Quảng Trị, nhất là các tour du lịch liên kết tiểu vùng sông Mê Kông? Trước hết cần nhận thức rằng các nước trong tiểu vùng có điều kiện tự nhiên-xã hội tương đồng nên sẽ không khác biệt nhiều cho sự lựa chọn của du khách. Mặt khác cũng cần thấy rằng Quảng Trị chưa thực sự có được những điểm nhấn du lịch hấp dẫn, công nghệ tổ chức du lịch chưa chuyên nghiệp, trình độ và chất lượng tổ chức tour từ tiếp thị, marketing, tổ chức các trung tâm lữ hành đưa đón khách, tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ, bảo hiểm, phục vụ ăn nghỉ, tổ chức các sự kiện, xúc tiến, quảng bá du lịch...chưa cao nên khó cạnh tranh với tour của các nướctrong tiểu vùng và ngay cả với các tour ở nội địa...Đó là những bất lợi trong cạnh tranh của du lịch Quảng Trị.
Tuy nhiên sự khác biệt của không gian văn hoá lại chính là điều mà mỗi quốc gia, mỗi địa phương cầnkhai thác có hiệu quả để phát triển du lịch. Bản sắc văn hoá của từng dân tộc, từng vùng, miền sẽ là nét độc đáo thể hiện sức sống trường tồn và chiều sâu của văn hoá, kết tinh nên những giá trị cả về vật chất và tinh thần của từng dân tộc và chínhđó là cơ sở để tạo nên các thiết chế du lịch độc đáo và khác biệt hấp dẫn du khách.
          Ở một phương diện khác, nâng cao tính liên kết là điều kiện tất yếu để đẩy mạnh và phát triển bền vững của ngành du lịch trong giai đoạn hội nhập, bao gồm liên kết ngành, liên kết vùng, liên kết quốc gia. Vì ngày nay, nói đến du lịch chính là hội nhập và khi nói đến không gian văn hoá du lịch tiểu vùng sông Mê Kông thì khai thác tiềm năng văn hoá để phát triển du lịch là lợi thế tuyệt đối mà từng quốc gia có những điểm tương đồng phải tính đến nhằm khắc phục những bất lợi như đã được trình bày ở trên.Từ góc độ đó có thể nói rằng, cái để Quảng Trị làm say lòng du khách đang còn nhiều tiềm năng. Trước hết là một hệ thống di tích lịch sử chiến tranh cách mạngvới các tour du lịch của Quảng Trị đã có thương hiệu như hoài niệm về chiến trường xưa và đồngđội, du lịch vùng phi quân sự. Sau nữa là du lịch sinh thái biển, đảo, sông nước, làng nghề truyền thống hoặc là các lễ hội độc đáo mang đậm bản sắc văn hoá của con người Quảng Trị. Nhưng để du lịch Quảng Trị thực sự phát triển trên nền văn hoá của con người Quảng Trị thì còn quá nhiều việc phải làm.
Trước hết, điểm hấp dẫn có tính độc đáo mà Quảng Trị chưa khai thác được là ngoài việc đầu tư, xây dựng, tôn tạo và quản lý, khai thác, vận hành các thiết chế du lịch thì điều quan trọng tạo nên sức sống của du lịch là yếu tố văn hoá bản địa trong du lịch. Để hấp dẫn du khách thì phải để chủ thể văn hoá tự giới thiệu về mình, cần phải phát huy vai trò của cộng đồng trong việc khai thác các giá trị văn hoá để đưa vào sản phẩm du lịch, phải tạo được những sản phẩm du lịch mang đậm chất văn hoá bản địa Quảng Trị,vì chính đó là mạch nguồn tạo ra sức sống để phát triển du lịch bền vững. Chủ thể sáng tạo nên các giá trị văn hoá sẽ là người làm sống lại, duy trì và tiếp tục phát triển các giá trị trường tồn của văn hoá theo dòng chảy của lịch sử cả lịch đại và đồngđại. Đó chính là yếu tố“sống” của văn hoá trong du lịch. Các chủ thể văn hoá với tư cách là người trong cuộc sẽ tự giới thiệu một cách chân thật nhất về mình tại ngôi nhà của mình, phiên chợ quê mình, làng bản dân tộc mình, địa danh nơi mình tham gia chiếnđấu, địađạo nơi mình sinh ra và lớn lên...chắc chắn sẽ cuốn hút và hấp dẫn hơn rất nhiều.
 Trong thực tiễn chúng ta thấy nhiều địa phương đã rất thành công khi phát triển du lịch theo hướng khai thác từ góc độ này. Phố cổ Hội An là một trong số đó, họ đã có những bước đi trước và rất thành công. Du khách tham quan các Hội quán của người Hoa, sau những lời giới thiệu của những hướng dẫn viên chuyên nghiệp là những hướng dẫn viên của Hội quán với tư cách là người trong cuộc, họ giới thiệu, thuyết minh về lịch sử, văn hoá của người Hoa và Hội quán rất hấp dẫn, sâu sắc. Hoặc vào tham quan ngôi nhà cổ thì chính chủ nhân của ngôi nhà là đời thứ 7, thứ 8...giới thiệu rất chu đáo, tường tận về ngôi nhà đang sinh hoạt bình thường của họ. Qua đó du khách không chỉ được tham quan những giá trị văn hoá vật thể“tĩnh” mà đặc sắc và hấp dẫn hơn là cảm nhận được những giá trị văn hoá “động” của chính chủ thể văn hoá đó. Đó là sự gắn kết bền chặt giữa con người với di tích kiến trúc, giữa văn hoá vật thể với văn hoá phi vật thể. Thiết nghĩ đó là những kinh nghiệm quý đối với phát triển du lịch của Quảng Trị. Với những tour như hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội hoặc tham quan vùng phi quân sự, nếu có được những hướng dẫn viên là những cựu chiến binh, những người trong cuộc, cư dân bản địa... là những nhân chứng sống của di tích lịch sử chiến tranh cách mạng chắc chắn sẽ hấp dẫn và tạo được nhiều cảm nhận mới cho du khách hơn.
Du lịch biển là một lợi thế lớn của Quảng Trị nhưng còn chưa đượcđầu tư khai thác tương xứng với tiềm năng. Tam giác phát triển du lịch biển Quảng Trị Cửa Việt-Cửa Tùng-Cồn Cỏđãđượcđịnh hình vàđang đượcđầu tư xây dựng, trong đóđảo Cồn Cỏ hứa hẹn là mộtđiểm nhấn du lịch biển hấp dẫn.“Hòn ngọc bích của biển Đông”đầy lãng mạnđang mang trong mình nhiềuđiều bíẩn, mộtđiểm du lịchđộcđáođang được tạo dựng bởi bàn tay tài hoa của những thanh niên tình nguyện ra xây dựngđảo. Mặt khác, sau nhiều năm đầu tư xây dựngtam giác du lịch biển Quảng Trịđã tạođược diện mạo ban đầu của mộtđô thị biển,hứa hẹn sẽthu hút khá lớn lượng du khách. Tuy nhiên, các loại hình sản phẩmdu lịch cònđơn điệu, thiếu tính chuyên nghiệp, văn hoá trong kinh doanh du lịch chưa được quan tâm vàcònmang tính tự phát, cá biệt còncó những hành vi chưa đúng mực,để lại dấuấn không đẹp tronglòng du khách.
Thiết nghĩ du lịch sinh thái biển là một lợi thế của Quảng Trị nhưng đang ở dạng tiềm năng, cần phải có sự đầu tư để phát huy lợi thế các giá trị của biển-ven biển và mạch nguồn cho sự phát triển du lịch biển bền vững là văn hoá độc đáo của cư dân bản địa ven biển. Vì vậy cần khai thác có hiệu quả các giá trị văn hoá-xã hội đó để tạo ra sản phẩm mới về du lịch có chất lượng ngày càng cao như du lịch tham quan các hoạt động nghề biển của các làng chài bãi ngang, cửa lệch của Quảng Trị; loại hình du lịch câu cá giải trí, đánh cá cùng với ngư dân bản địa; du lịch lặn biển; du lịch đêm thưởng ngoạn ngắm trăng và bình minh trên biển...Với phương châm “sạch môi trường, đẹp văn hoá, hiện đại nhưng đậm đà bản sắc dân tộc và độc đáo” tránh phát triển du lịch biển mà lặp lại những sản phẩm của nhiều địa phương khác đã định hình thì sẽ nhàm chán và kém hấp dẫn. Thực tế hiện nay du lịch biển Quảng Trịtuy đã có bước phát triển nhưng thực sự chưa tạo được không khí, màu sắc văn hoá bản địa riêng có và độc đáo để thu hút du khách.
Để khai thác được những yếu tố văn hoá đó đưa vào du lịch không ai khác là cộng đồng cư dân địa phương vùng biển Quảng Trị. Ngành chức năng cần tổ chức các chương trình sinh hoạt nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng địa phương bằng các mô hìnhtrình diễn, qua đó tạo cơ hội cho họ tham gia và là chủ thể của các hoạt động du lịch biển thì mới thực sự sốngđộng và phát triển bền vững. Bên cạnh đó nhà nước cần có chính sách quản lý tốt việc phát triển du lịch biển nhằm giảm thiểu tác động từ các hoạt động của các ngành kinh tế khác ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm du lịch và ngay cả với hoạt động du lịch biển đối với môi trường và tài nguyên biển, nhất là chất thải sinh hoạt, lượng thức ăn dư thừa trong nuôi trồng thuỷ sản...
Tin chắc rằng khi khai thác được những giá trịvăn hoá của cư dân ven biển và đưa vào sản phẩm du lịch sẽ tạo được những thay đổi to lớn trong đời sống của họ. Nhiều du khách đến với vùng biển Quảng Trị hơn, nhiều cơ hội việc làm và kinh doanh phát đạt hơn, thu nhập và mức sống cao hơn. Do vậy người dân ngày càng nhận thức rõ hơn về mức độ quan trọng của văn hoá bản địa cũng như sinh thái môi trường và bảo vệ chúng. Như vậy chính du lịch được phát triển trên nền văn hoá đã đóng vai trò nâng cao nhận thức cho người dân địa phương và du lịch là công cụ hữu hiệu tạo ra được kết quả“kép”đã và đang mang lại sự thay đổi to lớn trong đời sống của họ cả về kinh tế và văn hoá. Khi người dân đã ý thức được điều đó thì sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc bảo vệ các giá trị văn hoá của cộng đồng và sẽ hạn chế làm tổn thương đến chúng. Thiết nghĩ đó mới chính là phương thức phát triển bền vững của du lịch trong xu thế hiện nay.
Cũng cần thấy rằng nếu không có sự tham gia đồng bộ của chính quyền địa phương, của các nhà hoạch định chính sách và các ngành chức năng thì khó mà bảo đảm được các giá trị văn hoá sẽ được khai thác một cách có hiệu quả để đưa vào các sản phẩm du lịch. Nhưng để du lịch phát triển bền vững thì vai trò quyết định không thể không có sự chung tay của người dân -Yếu tố cộngđồng trong việc khai thác các giá trị văn hoá để phát triển du lịch.
 

Tác giả bài viết: ThS. Trần Hoàng-Trường Chính trị Lê Duẩn tỉnh Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây