Việc cương quyết xử lý những hành vi sai phạm của cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao, trong đó có vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương, trách nhiệm đối với người đứng đầu thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta làm trong sạch bộ máy, siết chặt kỷ luật đảng và phép nước.
Ảnh minh họa
Quy định cụ thể
Đảng, Nhà nước đã có
những quy định rất rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm cá nhân trước tập thể từ phía
cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cơ quan, đơn vị dựa trên nguyên tắc: Vị trí
càng cao thì trách nhiệm càng lớn.
Vừa qua, Bộ Chính trị đã
ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền,
trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ. Quy định này quy định
phạm vi, đối tượng, nguyên tắc, thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu
trong thực hiện thí điểm về công tác cán bộ, gồm: Giới thiệu nhân sự bầu cử, bổ
nhiệm cấp phó của người đứng đầu; bầu bổ sung ủy viên ban thường vụ cấp ủy cùng
cấp; bổ nhiệm, miễn nhiệm cấp trưởng cấp dưới trực tiếp thuộc thẩm quyền quản
lý.
Đáng chú ý là người đứng
đầu chịu trách nhiệm về quyết định của mình kể cả khi đã chuyển công tác hoặc
nghỉ hưu trong các trường hợp: Giới thiệu cán bộ để bầu cử, bổ nhiệm thiếu công
tâm, khách quan, không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất chính trị, đạo
đức, lối sống, năng lực công tác; Miễn nhiệm cán bộ không bảo đảm căn cứ, thủ
tục theo quy định.
Quy định 142 là một bước
tiếp theo nhằm đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Vai trò càng lớn
thì trách nhiệm càng cao, bao gồm cả việc miễn nhiệm, từ chức nếu như không
hoàn thành trọng trách. Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3/11/2021 của Ban Chấp hành
Trung ương cũng đã quy định cụ thể việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.
Hai khái niệm “miễn nhiệm” và “từ chức” được phân biệt rành mạch trong quy định
này.
Miễn nhiệm theo Quy định
số 41-QĐ/TW là việc cấp có thẩm quyền quyết định cho cán bộ thôi giữ chức vụ
khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm do không đáp ứng được yêu
cầu công việc, uy tín giảm sút, có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật
cách chức. Còn từ chức là việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa
hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp
thuận.
Trong đó, căn cứ xem xét
việc miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu có các trường
hợp sau: Miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền
quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm
trọng; Người đứng đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao
che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tùy tính chất, mức độ sai phạm để
xem xét cho từ chức; Cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị
thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu
cực nghiêm trọng.
Trong thi hành nhiệm vụ,
công vụ, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước còn phải
tuân thủ chế độ trách nhiệm quy định tại Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày
27/10/2007 của Chính phủ. Theo đó, bên cạnh việc chịu trách nhiệm về toàn bộ
hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao lãnh đạo, người đứng đầu còn
có trách nhiệm nêu gương: Gương mẫu và nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ
trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của cấp trên.
Lãnh đạo cấp càng cao thì sự gương mẫu lại càng phải cao.
Đồng lòng thực thi
Các quy định của Đảng,
Nhà nước về trách nhiệm nêu gương, trách nhiệm đối với người đứng đầu, về việc
miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ đã được các cán bộ, đảng viên và quần chúng
nhân dân đồng tình ủng hộ, nhất là trong việc xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu
cực vừa qua.
Thời gian qua, nhiều cán
bộ giữ các trọng trách từ Trung ương đến địa phương trong hệ thống chính trị đã
bị miễn nhiệm hoặc được cho thôi giữ chức vụ. Trong đó, có cả cán bộ đã
"vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định về
trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị,
Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và chịu trách nhiệm người
đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Những vi phạm,
khuyết điểm đó gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và
cá nhân đồng chí".
Việc cho thôi chức vụ
đối với cán bộ, đảng viên, kể cả những người giữ vị trí cao, là nhằm xây dựng
bộ máy của Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thể hiện sự thượng tôn của
pháp luật, làm lan tỏa ý thức trách nhiệm chính trị trong hàng ngũ đảng viên, củng
cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Đồng thời, đây cũng là
cách để cán bộ tự soi, tự sửa mình thường xuyên như "đánh răng, rửa mặt
hằng ngày", coi danh dự cao hơn quyền hạn, chức tước hay bổng lộc, lợi ích
cá nhân.
Việc tu dưỡng, rèn luyện
là một quá trình theo suốt cuộc đời của cán bộ, đảng viên. Thiếu sự tu dưỡng
thường xuyên thì cán bộ lãnh đạo dù ở cấp nào, có quá trình cống hiến nhiều hay
ít đều đánh mất uy tín, không thể đáp ứng trọng trách được tổ chức giao phó. Từ
chức là cách để họ nhận về mình trách nhiệm trước sai phạm của đơn vị, của cán
bộ cấp dưới.
Quy định số 41-QĐ/TW tạo
cho cán bộ lãnh đạo các cấp cơ hội tự nguyện trả lại các chức vụ đang đảm nhiệm
khi thấy mình không còn xứng đáng, thể hiện trách nhiệm chính trị trước Đảng và
nhân dân.
Những cán bộ lãnh đạo
các cấp, từ địa phương đến Trung ương bị xử lý kỷ luật, miễn nhiệm cũng như
được cho thôi các chức vụ trong thời gian qua cho thấy, cuộc chiến chống tham
nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta thực sự không có ngoại lệ, không có vùng
cấm. Chính vì vậy mà tiến trình sàng lọc nhân sự đạt được sự đồng thuận cao
trong Đảng và dư luận xã hội. Điều này cũng góp phần quan trọng để giữ vững sự
ổn định chính trị - xã hội của đất nước.
Các đảng viên và quần
chúng nhân dân hiểu rằng việc siết chặt kỷ luật của Đảng và pháp luật của
Nhà nước là điều cần thiết đối với sự nghiệp chung của đất nước, trách nhiệm
nêu gương của người đứng đầu phải được đề cao để nghĩa vụ xứng tầm với quyền
hạn. Mục tiêu xây dựng, chỉnh đốn Đảng cần được kiên trì thực hiện với quyết
tâm cao hơn, hành động quyết liệt hơn.
Nguồn: Trần Quang Vinh (TTXVN)
- Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận bản chất giai cấp công nhân của Đảng Cộng sản hiện nay
- Vận dụng tư tưởng đấu tranh ngoại giao bảo vệ độc lập dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào cuộc đấu tranh chống chiến lược “diễn biến hòa bình” hiện nay
- Nghị quyết 41-NQ/TW, ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị: Nhiều nội dung và thông điệp mới mang tính đột phá trong phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp
- Nhân dân Quảng Trị hướng về các tỉnh miền Bắc
- XÂY DỰNG CHUẨN MỰC ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG CHO CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN THEO QUY ĐỊNH SỐ 144-QĐ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ
Đang truy cập: 19
Hôm nay: 80
Tổng lượt truy cập: 272,837