Xây dựng Đảng về đạo đức vừa là một phương diện hợp thành của nội dung xây dựng Đảng, đạo đức cùng với năng lực tạo nên nhân cách của mỗi người, của mỗi cán bộ, đảng viên. Khi xác định “Đảng là đạo đức, là văn minh”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy rõ tầm quan trọng của đạo đức, coi đó là đặc trưng bản chất của một chính đảng cách mạng. Người còn nhấn mạnh “chính trị cốt ở đoàn kết và thanh khiết, thanh khiết từ việc nhỏ tới việc lớn”. Như vậy, Người đã đưa yếu tố đạo đức vào trong chính trị, quan niệm chính trị gắn liền với đạo đức và văn hoá.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới việc rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Với mỗi người, phải rèn luyện đủ cả bốn đức: cần- kiệm- liêm- chính, phải đủ cả bốn đức mới là người hoàn toàn, thiếu một đức thì không thành người. Nếu đào tạo cán bộ là công việc gốc của Đảng thì việc giáo dục, rèn luyện cán bộ hằng ngày phải lấy đức làm gốc, tài là quan trọng, có đức phải có tài nhưng đức là gốc, là hàng đầu, tài phải được bảo đảm bởi đạo đức. Trên cơ sở đó, Văn kiện Đại hội XIII nêu rõ: “Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” cho phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Xây dựng các chuẩn mực đạo đức làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng. Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng. Tăng cường đấu tranh chống các quan điểm, hành vi phản đạo đức, phi đạo đức. Cổ vũ, biểu dương các gương sáng đạo đức, tạo ảnh hưởng sâu rộng trong Đảng và ngoài xã hội”.
Trong hơn 94 năm qua, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, quy định xây dựng Đảng về đạo đức và được triển khai từ Trung ương đến cơ sở như: Quy định số 101-QÐ/TW, ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30/10/2016 của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”…
Thế nhưng, hiện nay, dưới tác động của những mặt trái của nền kinh tế thị trường, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên xem nhẹ những giá trị đạo đức cách mạng; suy thoái về đạo đức, lối sống; lợi dụng chức vụ, quyền hạn được nhân dân giao cho để vụ lợi cho bản thân; tham nhũng, tiêu cực làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và lòng tin của Nhân dân...
Trước thực trạng đó, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 9-5-2024 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Quy định 144-QĐ/TW kết cấu thành 6 Điều. Nội dung của Điều 1 đến Điều 5 là sự cụ thể hóa chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Điều 6 là quy định về tổ chức thực hiện. Nội dung các chuẩn mực đạo đức cách mạng trong quy định này có tính cô đọng, khái quát và dễ hiểu. Những giá trị đạo đức của người đảng viên được quy định trong 5 Điều là: “Yêu nước, tôn trọng nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc”; “Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập”; “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; “Đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm” và “Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời”, đây là những giá trị chuẩn mực về đạo đức mà mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng phấn đấu, rèn luyện bền bỉ.
Theo Quy định 144-QĐ/TW, chuẩn mực đạo đức cách mạng là những tiêu chí về phẩm chất của người cán bộ, đảng viên đối với tự mình, ứng xử với công việc và với đồng bào, đồng chí, là trách nhiệm của bản thân đối với quốc gia, với Đảng. Quy định 144-QĐ/TW là cơ sở, là tiền đề, thước đo quan trọng để cấp uỷ xem xét, đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên hàng năm; đồng thời là cơ sở để lựa chọn cán bộ, đảng viên đưa vào quy hoạch, giới thiệu ứng cữ, xem xét để bầu cấp ủy các cấp. Vì vậy hơn ai hết, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải luôn khắc sâu lời dạy của Bác Hồ: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng... Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”.
Tác giả bài viết: Xuân Ngọc, Trường Chính trị Lê Duẩn
- Nhân dân Quảng Trị hướng về các tỉnh miền Bắc
- CÔNG TÁC PHÁT TRIỂN ĐẢNG VIÊN LÀ HỌC SINH, SINH VIÊN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ HIỆN NAY
- Hiệu quả từ phong trào thi đua “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới” và “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”
- HƯỞNG ỨNG THAM GIA THI TRỰC TRUYẾN TÌM HIỂU NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 8, KHÓA XIII
- Nhận diện, phòng ngừa hoạt động lợi dụng phản biện xã hội gây mất ổn định chính trị, xã hội
Đang truy cập: 27
Hôm nay: 192
Tổng lượt truy cập: 272,949