ĐẢNG ỦY KHỐI CƠ QUAN VÀ DOANH NGHIỆP TỈNH PHỐI HỢP VỚI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN TỔ CHỨC HỘI THẢO KHOA HỌC CẤP TỈNH

Thứ hai - 25/12/2023 00:48 190 0
Chiều ngày 20/12/2023, Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh phối hợp với Trường Chính trị Lê Duẩn tổ chức Hội thảo khoa học cấp tỉnh “Nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức góp phần cải thiện các chỉ số PCI, PARINDEX, SIPAS, PAPI của tỉnh Quảng Trị trong giai đoạn hiện nay”. Đồng chí Hà Sỹ Đồng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh, đồng chí Đỗ Thị Lý – Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối, đồng chí Hồ Văn Chính - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối, đồng chí Dương Hương Sơn – Hiệu trưởng Trường Chính trị Lê Duẩn, đồng chí Ngô Thị Thu Hà – Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Lê Duẩn đồng chủ trì Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo có các đồng chí đại diện lãnh đạo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các phòng chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh; Ban giám hiệu, các Trưởng khoa, phòng Trường Chính trị Lê Duẩn; Ban Thường vụ Đảng ủy Khối và Trưởng, Phó Ban, bộ phận thuộc Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; đại diện lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; Bí thư hoặc Phó Bí thư các TCCS Đảng trực thuộc Đảng ủy Khối và cán bộ công chức Cơ quan Đảng ủy Khối.
Các đồng chí chủ trì hội thảo
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đề nghị các đại biểu tham gia hội thảo tập trung trao đổi làm rõ thực trạng, tìm nguyên nhân, hạn chế và đề xuất các giải pháp tổng thể, thiết thực để góp phần cải thiện các chỉ số PCI, PARINDEX, SIPAS, PAPI của tỉnh từ góc độ thực hiện tốt đạo đức công vụ nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 04/11/2021 của Tỉnh uỷ Quảng Trị “về đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025” và Nghị quyết số 02-NQ/BCS, ngày 27/6/2023 của Ban cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh về “quyết tâm thực hiện giải pháp, cải thiện, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PARINDEX), Chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đến năm 2025” đã đề ra. Đồng chí chỉ đạo hội thảo tập trung vào 04 mục nội dung: (1) phân tích cụ thể cơ sở lý luận và cơ sở khoa học về đạo đức công vụ, xác định trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đối với việc nâng cao các chỉ số; (2) Đánh giá thực trạng về công tác triển khai, những kết quả đạt được và những vướng mắc trong quá trình cải cách hành chính, nguyên nhân dẫn đến các chỉ số của tỉnh còn thấp, giải pháp khắc phục để nâng cao các chỉ số; (3) Các tham luận cần bám sát yêu cầu chủ đề Hội thảo, có các căn cứ khoa học, thực tiễn phát huy tối đa các ý kiến phản biện, tranh luận nhằm làm rõ vấn đề; (4) Giao Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Nội vụ, Văn phòng UBND tỉnh tiếp thu những giải pháp nhằm tham mưu, đề xuất lãnh đạo tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo góp phần nâng cao các chỉ số trong thời gian tới.
Đồng chí Hà Sỹ Đồng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh
phát biểu chỉ đạo Hội thảo

Hội thảo đã nhận được 24 tham luận và 03 ý kiến phản biện, tranh luận về những nội dung liên quan đến cơ sở khoa học, thực tiễn, các giải pháp của việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng trong thực thi công vụ đối với cán bộ, đảng viên để góp phần cải thiện các chỉ số PCI, PARINDEX, SIPAS, PAPI của tỉnh. Theo kết quả của Trung ương công bố (tháng 4/2023), các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI của tỉnh Quảng Trị tuy có cải thiện về điểm số nhưng đa số đều giảm về thứ hạng so với năm 2021. Năm 2022, chỉ số PAR INDEX  đạt 82,70%, xếp thứ 52/63 tỉnh/thành, tăng 1 bậc so với năm 2021 và thuộc nhóm B. Chỉ số SIPAS đạt 76,43%, xếp thứ 55/63 tỉnh/thành, giảm 9 bậc so với năm 2021. Chỉ số PAPI đạt tổng điểm 41,7742 xếp thứ 37/63 tỉnh/thành (giảm 0,634 điểm so với năm 2021 và tụt 9 bậc trong bảng xếp hạng của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Riêng chỉ số PCI năm 2022 chỉ đạt 61,26 điểm (giảm 2,07 điểm so với năm 2021), xếp hạng thứ 59/63 tỉnh/thành (giảm 18 bậc so với năm 2021).
Từ thực trạng trên, các đại biểu tham dự hội thảo đã đề xuất các giải pháp cụ thể, thiết thực trong cải thiện các chỉ số PCI, PARINDEX, SIPAS, PAPI của tỉnh từ góc độ thực hiện tốt đạo đức công vụ như:
- Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ, nghị quyết của Tỉnh ủy, nghị quyết của Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh; xây dựng và triển khai thực chất, hiệu quả các chương trình, kế hoạch về công tác cải cách hành chính và cải thiện các chỉ số PCI, PARINDEX, SIPAS, PAPI của tỉnh.
- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm tổ chức thực hiện cải cách hành chính; mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc cải thiện kết quả các chỉ số PCI, PARINDEX, SIPAS, PAPI đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ nói chung và trong cải cách hành chính nói riêng.
- Thực hiện tốt các quy định về đạo đức công vụ, tạo lập tình cảm và tin tưởng của người dân, doanh nghiệp với chính quyền, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ. Đảm bảo giải quyết thủ tục hành chính theo phương châm “công khai, thuận tiện, đúng hẹn, trách nhiệm, kỷ cương, hiệu quả”; thực hiện nghiêm túc văn hoá công sở; không sách nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho tổ chức, cá nhân trong quá trình thực thi công vụ. Chấn chỉnh phong cách, lề lối làm việc, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhất là các cơ quan thường xuyên, trực tiếp giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân như: chế độ chính sách, tiếp nhận các nguồn hỗ trợ, cung ứng dịch vụ công y tế và giáo dục,....
- Giao nhiệm vụ đi đôi với cam kết trách nhiệm với sản phẩm đầu ra của công việc, lấy sản phẩm công việc làm thước đo trong đánh giá năng lực hoàn thành nhiệm vụ và đạo đức công vụ của cán bộ. Việc giao nhiệm vụ đi đôi với cam kết trách nhiệm sẽ góp phần thúc đẩy ý thức tự học, tự rèn luyện, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhiệm vụ được giao. Cũng thông qua việc cam kết trách nhiệm sẽ tạo được cách nghĩ, cách làm mới, quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động công vụ góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
- Thực hiện việc xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đầy đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm để thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; kiện toàn đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý; có chính sách và chế độ khen thưởng xứng đáng với những cá nhân làm tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đồng thời xử lý nghiêm đối với cá nhân cán bộ, công chức viên chức có vi phạm về đạo đức công vụ trong quá trình thi hành công vụ, nhất là các tiêu chí liên quan đến nội dung của các chỉ số. 
- Chú trọng đầu tư trang thiết bị, ứng dụng kết quả của công nghệ thông tin, kết quả xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền số để hiện đại hóa công sở, đảm bảo cơ sở vật chất, các nguồn lực cho cán bộ, công chức, viên chức yên tâm thực thi nhiệm vụ.
Đồng chí Đỗ Thị Lý - Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Đỗ Thị Lý - Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối trân trọng cảm ơn Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các nội dung của Hội thảo; cám ơn các tập thể, cá nhân thuộc các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc Đảng bộ Khối đã quan tâm đóng góp ý kiến tham gia tại Hội thảo. Đồng chí nhấn mạnh, chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PARINDEX), Chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) có ý nghĩa rất quan trọng trong việc quản lý, điều hành của cơ quan hành chính Nhà nước tại địa phương. Cải thiện các số trên không chỉ là việc tăng điểm, tăng thứ bậc mà quan trọng là cải thiện chất lượng điều hành, thực thi công vụ, phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời tiếp thu đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của đồng chí Hà Sỹ Đồng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh để triển khai thực hiện trong thời gian tới với quyết tâm chính trị cao nhất, hành động quyết liệt và hiệu quả nhất. Đồng chí cũng đề nghị các cấp ủy Đảng trực thuộc, cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ Khối đồng sức, đồng lòng, sáng tạo và nỗ lực cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ được giao, tạo tiền đề vững chắc để bước vào năm 2024 - năm tăng tốc để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

Tác giả bài viết: Ngô Thùy - BTG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây