Hiệu quả từ phong trào thi đua “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới” và “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”

Thứ hai - 04/03/2024 01:41 87 0
Phong trào thi đua “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới” và “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã thực sự trở thành các Phong trào thi đua sôi nổi, sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở, thường xuyên được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, hành động, ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân. Các chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo được triển khai đồng bộ, hiệu quả, bộ mặt nông thôn ngày càng được khởi sắc, người nghèo được tiếp cận thuận tiện hơn với các chính sách trợ giúp của Nhà nước, số hộ nghèo trong tỉnh giảm đáng kể, đời sống của người nghèo được từng bước cải thiện, an sinh, xã hội, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Hiệu quả từ phong trào thi đua “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới” và “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”
Năm 2023, người dân tự nguyện hiến 56.235m2 đất xây dựng nông thôn mới

Hưởng ứng Phong trào thi đua “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới”, với mục tiêu tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị, xã hội cùng vào cuộc để phát huy vai trò chủ thể của người dân nhằm xây dựng nông thôn mới theo phương châm “xây dựng nông thôn mới dân biết, dân bàn, dân làm và dân thụ hưởng”, vì vậy trong những năm qua phong trào đã tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ, được người dân đồng tình ủng hộ, từ phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới” đã hình thành hàng chục phong trào sáng tạo, hiệu quả khác như các phong trào ngày thứ bảy vì nông thôn mới, hiến đất, hiến kế, đóng góp để hoàn thiện tiêu chí nông thôn mới, chỉnh trang nông thôn, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, ánh sáng đường quê, làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương, phong trào 5 không, 3 sạch... ; nhờ vậy đã huy động một nguồn nội lực từ sức dân rất lớn, điển hình trong 3 năm 2021-2023 đã huy động được khoảng 13.150.000 triệu đồng, riêng trong năm 2023 đã vận động người dân tự nguyện hiến 56.235 m2 đất.

UBND tỉnh và Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh đã tổ chức 02 lễ phát động phong trào Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới, gắn với phấn đấu 02 huyện đạt chuẩn tại Hải Lăng và Triệu Phong, các sở, ban ngành liên quan, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh đã lồng ghép các chương trình, dự án để phổ biến, tuyên truyền và thực hiện các hoạt động đỡ đầu thiết thực cho các xã khó khăn trong xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 1625/QĐ-UBND ngày 22/6/2022 của UBND tỉnh về phân công địa bàn đỡ đầu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022-2025. Nhiều địa phương đã tổ chức Lễ phát động phong trào xây dựng nông thôn mới gắn với chỉnh trang nông thôn, gắn với công tác thi đua khen thưởng; một số địa phương đã ban hành chính sách khen thưởng công trình phúc lợi cho các xã, thôn, vườn mẫu đạt chuẩn như Vĩnh Linh, Cam Lộ.

Nhờ những phân bổ nguồn lực của Trung ương và tỉnh, đến nay, toàn tỉnh đã 01 huyện đạt chuẩn, có 69/101 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm tỉ lệ 68,3%), có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, bình quân tiêu chí toàn tỉnh là 14,5 tiêu chí/xã; có 4 thôn đặc biệt khó khăn, thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của huyện Vĩnh Linh đã đạt chuẩn thôn nông thôn mới; có 78 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó huyện Vĩnh Linh có 44 thôn, huyện Cam Lộ có 33 thôn, huyện Hướng Hóa có 1 thôn; có 24 vườn hộ gia đình trên địa bàn huyện Vĩnh Linh được công nhận vườn mẫu nông thôn mới, có 115 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 73 sản phẩm 3 sao, 42 sản phẩm đạt 4 sao. Dự kiến đến cuối năm 2023, sẽ có 74/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm tỷ lệ 73,26%), trong đó có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao....

Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,2%

Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị bước đầu đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm sau cao hơn năm trước, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội luôn ổn định, đời sống vật chất và mức thu nhập của nhân dân trên địa bàn tỉnh được nâng lên rõ rệt. Nhờ các cơ chế, chính sách được triển khai đồng bộ, kịp thời cùng sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng đã giúp người nghèo từng bước được hỗ trợ, ổn định sản xuất, phát triển kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tính đến thời điểm hiện tại, các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh đã vận động và hỗ trợ xây dựng mới 495 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, trị giá 27.711 triệu đồng; hỗ trợ sữa chữa 88 nhà trị giá 1.508 triệu đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất cho 106 hộ gia đình, trị giá 776,92 triệu đồng; hỗ trợ cho 999 em học sinh nghèo, trị giá 480,1 triệu đồng; hỗ trợ khám chữa bệnh cho 185 người, trị giá 179,6 triệu đồng, hỗ trợ khó khăn với 10.326 suất quà trị giá 5.597 triệu đồng, hỗ trợ khác với tổng trị giá 6.684 triệu đồng.

Năm 2023, tổng nguồn kinh phí huy động thực hiện Chương trình 329.696 triệu đồng. Trong đó: Ngân sách Trung ương: 228.492 triệu đồng (Vốn đầu tư phát triển: 79.518 triệu đồng; Vốn sự nghiệp: 148.974 triệu đồng); vốn đối ứng của tỉnh thực hiện Chương trình: 21.154 triệu đồng; vốn huy động khác: thông qua Chương trình “Vòng tay nhân ái”, vận động Quỹ “Vì người nghèo” đã vận động 80.050 triệu đồng (bao gồm 19.500 triệu đồng năm trước mang sang). Ước tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 giảm 1,2%, tương ứng giảm khoảng 2.050 hộ; đạt kế hoạch đề ra.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phong trào thi đua “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới” và “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Chưa có nhiều giải pháp, mô hình được nhân rộng, sáng kiến, biện pháp trong việc tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo cho cơ sở còn hạn chế; Công tác kiểm tra, giám sát tại cơ sở chưa được thường xuyên, việc lồng ghép, gắn kết phong trào thi đua với các cuộc vận động chưa được chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.

Vì vậy, để nâng cao chất lượng các Phong trào thi đua trong thời gian tới, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đề ra, cần triển khai thực hiện một số biện pháp, giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các phong trào thi đua; sơ kết, tổng kết và kịp thời biểu dương, khen thưởng cho các tập thể, hộ gia đình và cá nhân có thành tích cao.

Thứ hai, phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên, các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tích cực tham gia các phong trào thi đua.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm làm chuyển biến sâu sắc nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của các phong trào thi đua.

Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra giám sát để kịp thời phát hiện, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, xử lý các vấn đề mới phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện;

Thứ năm, chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, mô hình hay, cách làm sáng tạo hiệu quả trong thực hiện các Phong trào thi đua; Các cơ quan chuyện môn làm công tác thi đua, khen thưởng thực hiện tốt vai trò tham mưu, đề xuất cho cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị và tăng cường bám sát, hướng dẫn cơ sở nâng cao hiệu quả trong triển khai thực hiện các Phong trào thi đua.

Tác giả bài viết: Vĩnh Long

Nguồn tin: tinhuyquangtri.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây