NHỮNG ĐÓNG GÓP TO LỚN CỦA QUÂN VÀ DÂN QUẢNG TRỊ TRONG CUỘC TIẾN CÔNG CHIẾN LƯỢC XUÂN HÈ NĂM 1972, BẢO VỆ VÙNG GIẢI PHÓNG.

Thứ năm - 28/04/2022 02:50 985 0
(Ban Biên tập trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Nguyễn Đăng Quang - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị).
50 năm về trước, Xuân - Hè năm 1972, chấp hành chủ trương của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Trị đã phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với bộ đội chủ lực tiến công nổi dậy giải phóng quê hương, góp phần rất quan trong làm nên thắng lợi của cuộc tổng tiến công chiến lược năm 1972 và giữ vững vùng giải phóng Quảng Trị, tạo ưu thế của ta trên bàn đàm phán Hội nghị Paris và mở đường tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 
Cột Cờ Giới tuyến
Cột Cờ Giới tuyến
1. Đảng bộ Quảng Trị chủ động, kịp thời quán triệt và triển khai chủ trương tổng tiến công chiến lược của Trung ương Đảng, Bộ Chính Trị, Quân ủy Trung ương, tạo sự thống nhất, quyết tâm hành động trong toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân tỉnh nhà
Sau những thắng lợi mang tính chiến lược trên chiến trường, nhất là chiến thắng Đường 9 - Nam Lào năm 1971, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết tâm phát triển thế tiến công của ta trên toàn chiến trường miền Nam. Tháng 5-1971, trên cơ sở phân tích tình hình địch - ta trên chiến trường, Bộ Chính trị đề ra chủ trương: “Kịp thời chớp lấy thời cơ, trên cơ sở phương châm chiến lược đánh lâu dài, đẩy mạnh tiến công quân sự, chính trị và ngoại giao, phát triển thế chiến lược tiến công mới trên toàn chiến trường miền Nam và cả chiến trường Đông Dương, đánh bại một bước quan trọng kế hoạch xâm lược của chúng ở Campuchia và Lào, giành thắng lợi quyết định trong năm 1972”. 
Tháng 3-1972, căn cứ thực tiễn chiến trường và cân nhắc các mặt, Bộ Chính trị đã thông qua phương án chọn Quảng Trị - Thừa Thiên làm hướng chủ yếu trong cuộc tiến công chiến lược sắp tới theo đề xuất của Quân ủy Trung ương. Đây là sự điều chỉnh quan trọng về mặt chiến lược (Trước đó, tháng 6-1971, Quân ủy Trung ương đã tổ chức hội nghị nghiên cứu tình hình và vạch nhiệm vụ của cuộc tiến công chiến lược năm 1972, xác định: Miền Đông Nam Bộ là hướng tiến công chủ yếu số 1, Tây Nguyên là hướng tiến công chủ yếu số 2, Trị - Thiên là hướng phối hợp quan trọng). Chiến trường Trị - Thiên từ chỗ là hướng phối hợp quan trọng nay trở thành hướng chủ yếu của cuộc tiến công chiến lược năm 1972. 
Ngày 13-3-1972, Đảng ủy Bộ Tư lệnh chiến dịch Trị - Thiên (B702) được thành lập do đồng chí Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, đồng chí Lê Quang Đạo làm Chính ủy. Các đồng chí Hồ Sỹ Thản - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, Trần Đồng - Bí thư Khu ủy Vĩnh Linh được chỉ định tham gia Đảng ủy chiến dịch.
Trước tình hình và nhiệm vụ mới, ngày 15-3-1972, tại Bãi Hà (phía Tây khu vực Vĩnh Linh), Đảng ủy Bộ Tư lệnh chiến dịch họp đánh giá tình hình, đề ra chủ trương: Phát huy cao độ uy lực của mọi binh khí hiện có, coi trọng đánh vừa, đánh nhỏ, đánh sâu, đánh hiểm bằng lực lượng tinh nhuệ, hỗ trợ cho nhân dân Quảng Trị nổi dậy giành quyền làm chủ… Dù gặp phải khó khăn, gian khổ, ác liệt, hy sinh đến mấy cũng kiên quyết đập tan hệ thống phòng ngự “kiên cố nhất Đông Dương” của Mỹ - ngụy.
Quán triệt tư tưởng của Hội nghị Đảng ủy Bộ Tư lệnh chiến dịch Trị - Thiên năm 1972, ngày 19-3-1972, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị mở hội nghị tiếp thu và bàn biện pháp thực hiện, hạ quyết tâm: “Phối hợp chặt chẽ với đòn tiến công của quân chủ lực, phát huy cao độ phong trào quần chúng, tiêu diệt và làm tan rã hệ thống kìm kẹp của địch, hình thành mặt trận rộng khắp nhằm tiêu diệt, làm tan rã lực lượng bảo an, dân vệ, ngụy quyền, từng bước giải phóng đất đai, tiến tới giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị”. 
Thường vụ Tỉnh ủy quyết định tổ chức lực lượng vũ trang địa phương tỉnh chia làm hai cánh (Cánh bắc gồm hai huyện Gio Linh, Cam Lộ và thị xã Đông Hà do đồng chí Nguyễn Sanh, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy và đồng chí Lê Mạnh Thoa, Tỉnh Đội trưởng trực tiếp chỉ huy, có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội chủ lực tiến công tiêu diệt Trung đoàn 57 và Trung đoàn 2 bộ binh (thuộc Sư đoàn 3 ngụy) ở điểm cao 544, Đồi Tròn, Động Mã, Cồn Tiên, Quán Ngang. Sau khi tiêu diệt các mục tiêu nói trên nhanh chóng chuyển sang bao vây, tiến công cụm cứ điểm Đông Hà, kiên quyết không cho địch co cụm, đối phó. Cánh nam gồm hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị do đồng chí Nguyễn Đức Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Văn Lương, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách sử dụng Tiểu đoàn 8, 10, 14 bộ đội địa phương phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực có nhiệm vụ tiêu diệt địch ở nam, bắc sông Thạch Hãn, chủ yếu là khu vực Phượng Hoàng, Động Ông Do, đoạn Quốc lộ 1 phía bắc sông Mỹ Chánh, thực hiện việc chia cắt địch, hỗ trợ nhân dân hai huyện Hải Lăng, Triệu Phong nổi dậy diệt ác, phá kìm, giành quyền làm chủ. Ngoài ra, Tiểu đoàn 47 bộ đội địa phương khu vực Vĩnh Linh cùng tham gia phối hợp với các lực lượng chủ lực trên hướng đông (từ Hoàng Hà, Mai Xá lên ngã ba Gia Độ) có nhiệm vụ bao vây Dốc Miếu, Quán Ngang, tiêu diệt căn cứ hải thuyền ở nam Cửa Việt, phối hợp với các lực lượng vũ trang địa phương Gio Linh tiêu diệt và làm tan rã lực lượng kìm kẹp của địch, phát động quần chúng nổi dậy giải phóng quê hương) để phối hợp với quân chủ lực.
Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, cấp ủy Đảng các cấp tập trung lãnh đạo toàn dân, toàn quân trong tỉnh quán triệt quyết tâm chiến lược của Đảng, tích cực, khẩn trương chuẩn bị cho trận quyết chiến quan trọng sắp tới. Lực lượng vũ trang tỉnh được bổ sung, phát triển. Cơ quan huyện đội được kiện toàn, mỗi huyện có một đại đội bộ binh và các tổ binh chủng. Lực lượng bộ đội địa phương, du kích và nhân dân các huyện đã hỗ trợ các đơn vị chủ lực bí mật hành quân, triển khai lực lượng, sẵn sàng cơ động tiến công địch trên các hướng. Các đội võ trang công tác được thành lập, phát động quần chúng xây dựng cơ sở ở các xã, nhằm xây dựng thế và lực mới cho nhiệm vụ đánh phá bình định, giành lại nông thôn, đồng bằng. Ở các địa phương, thanh niên xung phong, dân công và nhân dân chờ lệnh bước vào chiến dịch với khí thế và quyết tâm cao độ. 
Chủ trương của Trung ương được Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Trị triển khai với khi thế, quyết tâm cao độ, sẵn sàng nổi dậy và tiến công, tiến công và nổi dậy, phối hợp chặt chẽ với đòn tấn công chiến lược của bộ đội chủ lực để tiêu diệt và làm tan rã hệ thống kìm kẹp của Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng quê hương.
2. Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Trị xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc; chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị năm 1972
Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-3-1972, Bộ Tư lệnh chiến dịch phát lệnh tổng tiến công chiến lược. Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Trị chủ động triển khai chủ trương tấn công giải phóng vùng nông thôn, đồng bằng trước, để tiêu diệt và làm tan rã từng mãng chính quyền địch, sau đó tấn công vào đô thị, đánh sập cơ quan đầu não của địch, tiến tới giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị.
Cánh bắc, quân dân Gio Linh, Cam Lộ đã cùng với lực lượng chủ lực đồng loạt nổ súng vào các chi khu quân sự Gio Linh ở Quán Ngang, các đơn vị địa phương quân, nghĩa quân ở Cửa Việt, Gio Lễ, Cùa, Cam Thanh..., đồng thời phát động quần chúng nổi dậy diệt ác, phá kìm, phá các khu tập trung, đưa dân về làng cũ. Đặc biệt ở xã Gio Hà, khu tập trung Quán Ngang, Cửa Việt, Cùa, Gio Lễ trong khi chưa có đòn chủ lực áp đảo, nhưng lực lượng du kích đã chớp thời cơ tấn công diệt địch, phát động quần chúng nổi dậy giải phóng quê hương. Quần chúng nhân dân ở Gio Linh, Cam Lộ đã cùng bộ đội diệt ác ôn, vận động binh lính khởi nghĩa, kêu gọi ra hàng hàng trăm tên địch ở khu tập trung Cửa Việt, Gio Hà. Riêng khu Cửa Việt ngoài tiêu diệt, quần chúng đã nổi dậy gọi hàng 130 tên, thu 80 súng các loại (Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị: Báo cáo tình hình địch ta từ khi mở đầu chiến dịch (30/3 - 10/5/1972), số 74, ngày 30/5/1972. Tài liệu lưu tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy).
 Ở khu vực Cùa, trước giờ nổ súng, được các đồng chí trong Huyện ủy phát động, trên 2.000 quần chúng sẵn sàng nổi dậy. Tại khu tập trung đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô ở Cùa, lực lượng cách mạng đã vận động 3 trung đội dân vệ chủ yếu là người dân tộc làm binh biến khởi nghĩa cướp ô tô của địch, cắm cờ chạy khắp khu tập trung kêu gọi đồng bào nổi dậy phá rào trở về bản cũ. Cũng trong ngày 31-3-1972, lực lượng cách mạng ở Ba Lòng đã vận động 14 lính ngụy ra đầu thú, tuyển chọn thanh niên gia nhập đội võ trang của xã, thành lập chính quyền cách mạng. Khi bộ đội chủ lực tấn công vào Bến Ngự, Dốc Miếu, Quán Ngang và căn cứ hải thuyền Cửa Việt, đồng bào Gio Hải nổi dậy phối hợp diệt ác ôn, giải tán 150 phòng vệ dân sự, thu 80 súng các loại (Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị: Lịch sử Đảng bộ Quảng Trị 1954-1975, Nxb. Chính trị quốc gia, Thừa Thiên Huế, 1999, tr. 344). 
Đến ngày 2-4-1972, toàn bộ các vị trí của địch trên 4 cánh cung đông - tây - nam - bắc ở 2 huyện Gio Linh, Cam Lộ được mệnh danh là “lá chắn thép”, “pháo đài bất khả xâm phạm” đã bị ta xóa sổ.  Huyện Gio Linh, Cam Lộ với hơn 10 vạn dân được hoàn toàn giải phóng đã làm lung lay, dao động mạnh tư tưởng, ý chí lực lượng ngụy quân, nguỵ quyền ở địa phương. Gio Linh đã cùng Cam Lộ, Hướng Hoá tạo ra một vùng giải phóng rộng lớn từ miền núi, Đường 9 về vùng biển Cửa Việt; nối liền với Vĩnh Linh - miền Bắc xã hội chủ nghĩa; áp sát các căn cứ và hệ thống phòng ngự còn lại của Mỹ - ngụy từ Đông Hà, Ái Tử, La Vang, Quảng Trị, uy hiếp trực tiếp đến bộ máy kềm kẹp, hệ thống phòng ngự kiên cố mà hàng chục năm Mỹ - ngụy đã dày công xây dựng. Tạo ra một địa bàn đứng chân và hành lang đi lại hoạt động của các lực lượng chủ lực để tiếp tục tấn công đợt 2 thuận lợi.  
Ở Mặt trận Đông Hà - Triệu Phong - Hải Lăng, ngày 27-4-1972, quân, dân Quảng Trị đã cùng với Bộ Tư lệnh chiến dịch tập trung mở đợt tấn công thứ hai vào cụm Đông Hà - Ái Tử - La Vang. Quân, dân Đông Hà, Triệu Phong, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị đã bất chấp hy sinh, mất mát tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, người này ngã xuống, người khác đứng lên; hàng trăm cán bộ, quân dân chính ở các địa phương xông xáo lao vào trận đánh hỗ trợ, phối hợp với các lực lượng chủ lực, tạo thế trận tiến công mạnh mẽ, giành thắng lợi quyết định.
Đến 15 giờ 30 phút ngày 28-4, toàn bộ Đông Hà - Lai Phước được giải phóng. Ngày 29-4, chi khu quân sự Triệu Phong đầu hàng. Ngày 30-4, địch ở Linh Chiểu, Phương Lang bỏ chạy. Ngày 01/5/1972, cờ giải phóng đã phấp phới tung bay trên dinh tỉnh trưởng Quảng Trị. Chuẩn tướng Vũ Văn Giai (Tư lệnh Sư đoàn 3 ngụy Sài Gòn) và tàn quân bỏ chạy khỏi Quảng Trị, quân ta thừa thắng truy kích, tiêu diệt. Cả đoạn đường gần 30km từ thị xã Quảng Trị đến Mỹ Chánh trở thành “đại lộ kinh hoàng” đối với quân ngụy. Từ Huế, Trung tướng Hoàng Xuân Lãm - Tư lệnh vùng 1 chiến thuật ngụy Sài Gòn buộc phải cay đắng thừa nhận “Tối nay, địch (Việt Cộng) sẽ vào Quảng Trị mà không tốn thêm một viên đạn nào”.
Trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 (từ ngày 30-3 đến ngày 1-5-1972), cùng với bộ đội chủ lực, quân và dân tỉnh Quảng Trị đã quét sạch hệ thống phòng ngự kiên cố nhất và đập tan hệ thống kìm kẹp của Mỹ - ngụy từ sông Bến Hải đến Mỹ Chánh, từ Lao Bảo, Khe Sanh đến Cửa Việt. Quân, dân Quảng Trị đã phối hợp đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, diệt và làm bị thương 14.350 tên địch, bắt 3.160 tên; thu, phá hủy 1.870 xe quân sự (có gần 600 xe tăng, thiết giáp), 419 khẩu pháo; bắn rơi, phá hủy 340 máy bay và rất nhiều quân trang, quân dụng khác.
Một trong những đóng góp nổi bật của Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị trong cuộc tổng tiến công chiến lược năm 1972 là đã xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, làm “điểm tựa tinh thần” để làm nên thắng lợi. Minh chứng cụ thể và sinh động của “thế trận lòng dân” là quyết tâm, khí thế sẵn sàng vào chiến dịch, bất chấp hiễm nguy, gian khổ, hy sinh của mọi tầng lớp nhân dân, cả người già và người trẻ, thanh niên và phụ nữ, đồng bào các dân tộc, tôn giáo ở vùng giải phóng, vùng địch tạm chiếm cũng như ở vùng hậu phương lơn Vĩnh Linh. Ý chí quyết tâm cao, lòng yêu nước nồng nàn, khát vọng độc lập tự do và thống nhất, lòng căm thù giặc sâu sắc, tinh thần quyết tâm khắc phục mọi khó khăn của quân và dân Quảng Trị không chỉ phản ánh “diện rộng” mà còn là “độ sâu”, “độ chắc” của “thế trận lòng dân”, là nguồn sức mạnh to lớn của chiến tranh nhân dân trong cuộc tổng tiến tiến công và nổi dậy Xuân Hè 1972. “Thế trận lòng dân” Quảng Trị là chỗ dựa vững chắc cho các đơn vị lực lượng vũ trang ta tiến công địch, là chỗ dựa cho sự kết hợp giữa đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị, kết hợp giữa tiến công và nổi dậy; đồng thời trực tiếp gây cho Mỹ - ngụy những khó khăn to lớn ngay tại cơ sở, sào huyệt của chúng, làm cho chúng hoang mang, dao động, lúng túng khi phải đối phó với chiến tranh nhân dân, với đòn tổng tiến công và nổi dậy của quân dân ta và phải chịu tổn thất nặng nề.  
3. Phối hợp với bộ đội chủ lực, Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị anh dũng, kiên cường chiến đấu bảo vệ và giữ vững vùng giải phóng
Quảng Trị - tỉnh đầu tiên của miền Nam được hoàn toàn giải phóng là sự kiện vô cùng trọng đại. 18 năm đấu tranh anh dũng, kiên cường, chịu bao tổn thất, hy sinh, cán bộ, đảng viên, nhân dân Quảng Trị với lòng tin sắt đá, người trước ngã, người sau tiếp bước đã giành thắng lợi oanh liệt. Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị đã “dốc sức” cùng quân, dân cả nước giáng cho Mỹ - ngụy những tổn thất nặng nề, khiến cho địch “từ Oasinhtơn đến Sài Gòn luôn bao trùm một không khí lo âu căng thẳng. Tâm lý thất bại trong quân ngụy lan tràn” (Thời báo New York tại Mỹ, số ra ngày 3-5-1972). Lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại, quân và dân ta đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị, phá tan tuyến phòng thủ kiên cố nhất ở miền Nam Việt Nam. 
Sau ngày giải phóng, Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Quảng Trị đã được thành lập, động viên, tổ chức nhân dân thực hiện 10 chính sách của Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh. Nhân dân Quảng Trị phấn khởi, tin tưởng, với khí thế cách mạng dâng trào tích cực tham gia xây dựng vào bảo vệ quê hương, củng cố lực lượng, quyết tâm cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước tiếp tục chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng. 
Trong niềm vui và khí thế hân hoan chiến thắng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng Trị vẫn luôn đề cao cảnh giác trước âm mưu và thủ đoạn đánh chiếm vùng giải phóng của Mỹ - ngụy. Bám sát diễn biến của chiến trường, Tỉnh ủy Quảng Trị nhận định: “Là tỉnh đầu cầu giải phóng đầu tiên trong toàn miền như cái gai trước mắt bọn Sài gòn và lầu năm góc, nhất định chúng có nhiều hành động tàn bạo thâm độc, phiêu lưu đánh phá bằng mọi cách”. “Thất bại của địch ở Quảng Trị là một thất bại có tính chất chiến lược, do đó, Mỹ - ngụy rất cay cú. Chúng sẽ tìm hết mọi âm mưu, thủ đoạn để phản kích, nhằm phá hoại mọi thành quả mà ta đạt được thậm chí chúng có thể đánh chiếm lại Quảng Trị”. Tỉnh ủy dự kiến: “Địch có thể phản kích bằng ba khả năng, trong đó khả năng quyết liệt nhất là sử dụng binh lực với quy mô sư đoàn và có thể quân Mỹ tham gia để đánh chiếm lại một số khu vực quan trọng mà trọng điểm là thị xã Quảng Trị”. 
Đúng như phân tích, dự đoán của Tỉnh ủy, thất thủ ở Quảng Trị và nhiều địa bàn xung yếu trên chiến trường miền Nam khiến Mỹ - ngụy hết sức cay cú. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu quyết định mở cuộc hành quân “Lam Sơn 72” nhằm thực hiện âm mưu “tái chiếm lãnh thổ”. Mỹ tăng cường viện trợ, “Mỹ hoá” trở lại cuộc chiến tranh, mở cuộc tấn công quy mô lớn bằng không quân và hải quân ra miền Bắc, hòng ngăn chặn hoàn toàn sự chi viện của miền Bắc vào miền Nam.
Ngày 28-6-1972, địch bắt đầu mở cuộc phản kích từ nhiều hướng vào thị xã Quảng Trị. Tổng thống Mỹ - Richard Nixon chỉ đạo “yểm trợ tối đa” cho quân ngụy mở các cuộc hành quân, mà trước hết là tăng cường các vụ đánh phá bằng máy bay, pháo binh hết sức ác liệt vào vùng giải phóng. 
Bảo vệ, giữ vững vùng giải phóng Quảng Trị lúc này là nhiệm vụ thiêng liêng, là “mệnh lệnh từ trái tim” của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Đối với Quảng Trị, phối hợp chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng là mục tiêu hàng đầu, nhiệm vụ cấp bách, nặng nề. Tỉnh ủy chủ trương: “Động viên và phát huy cao độ truyền thống đấu tranh, tinh thần tự lực tự cường, nỗ lực phi thường, đưa phong trào đấu tranh yêu nước của quân và dân trong tỉnh trở thành cao trào cách mạng để giữ vững và củng cố vùng giải phóng, góp phần đắc lực vào sự nghiệp đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới thống nhất đất nước”. Nhiệm vụ trung tâm hàng đầu lúc này là “chiến đấu và phục vụ chiến đấu”.
Trước tình hình chiến tranh diễn ra ác liệt, Tỉnh ủy chủ trương tổ chức sơ tán dân các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh, Cam Lộ ra khu vực Vĩnh Linh, Quảng Bình, tích cực phòng tránh, hạn chế thiệt hại (Kế hoạch K15). Nhân dân các xã Vĩnh Quang, Vĩnh Giang, Vĩnh Sơn (khu vực Vĩnh Linh) đã dùng tất cả thuyền bè, ván, chặt cả chuối, xông pha dưới làn bom, pháo của địch đưa trên 8 vạn người già, trẻ em, phụ nữ sang bờ Bắc sông Bến Hải. Khu vực Vĩnh Linh huy động trên 1.500 cán bộ, dân quân các nơi đón nhận, bố trí bà con về ổn định ở các xã. Ngoài 4.113 tấn lương thực, thực phẩm, thuốc men, phương tiện sinh hoạt, đồ dùng trong các gia đình đã chuẩn bị sẵn để cung cấp, phân phối cho đồng bào K15; bà con các xã còn thực hiện 22.136 ngày công đào hầm, dựng lán; giúp trên 192 tấn lương thực, 5.000 chiếc quần áo, chăn chiếu; 96.000 cái tranh, 120.500 cây tre, gỗ và nhường trên 5.000 hầm, lán, giúp nhân dân sơ tán ổn định cuộc sống. 
Trên mặt trận chiến đấu, quân và dân Quảng Trị trên toàn mặt trận phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực tạo nên “những chốt thép kiên cường”, bẻ gãy các đợt tiến công ồ ạt của Mỹ - ngụy.
Ở Triệu Phong, du kích Triệu Sơn trên đường nhận hỏa lực phòng không về, gặp máy bay địch, nhanh chóng triển khai trận địa chiến đấu và bắn rơi 1 máy bay địch. Quân dân xã Triệu Trạch kiên cường giữ vững chốt thép Long Quang, bẻ gãy đợt tiến công của một đại đội thủy quân lục chiến ngụy có 5 xe tăng yểm trợ, bắn cháy 3 xe, diệt một số tên địch, bắt tù binh, thu vũ khí. Ở cánh Đông và mặt trận thị xã, phối hợp với bộ đội chủ lực thuộc các sư đoàn 325, 312, 390, lực lượng vũ trang địa phương và du kích đã dũng cảm trong tiến công, kiên cường trong phòng ngự, đánh thắng giòn giã, lập nhiều chiến công xuất sắc. Trận địa của ta từ Nhan Biều, Chợ Sãi, đến Vân Hoà, Long Quang, Thạnh Hội vừa bám công sự, mỗi ngày đẩy lùi hàng chục đợt tiến công của địch, vừa mưu trí, táo bạo xuất kích, tập kích vào ngay trận địa của chúng. Bộ binh và đặc công của ta liên tục thọc sâu đánh địch ở phía sau lưng, diệt nhiều trận địa pháo và kho hậu cần của chúng ở Xuân Dương, Tam Hữu, Đạo Đầu…
Ở Hải Lăng, ngay từ những ngày đầu địch phản kích, lực lượng vũ trang huyện và du kích của các xã phối hợp với bộ đội chủ lực chặn đánh quyết liệt ở Phương Lang, Câu Nhi, Cầu Nhùng, Bến Đá… khiến cho sư đoàn dù ngụy mất sức chiến đấu buộc phải rút lui về phía sau để củng cố. Với ý chí “còn người là còn trận địa”, lực lượng vũ trang Quảng Trị đã phối hợp với bộ đội chủ lực chiến đấu ngoan cường, chống trả các đợt phản kích của địch ở Hải Xuân, Hải Vĩnh, Hải Quy, Hải Phú, Hải Thượng. Điển hình là tại điểm chốt ngã ba Long Hưng, du kích Hải Phú, Hải Thượng đã phối hợp với bộ đội chủ lực đẩy lùi hàng chục đợt phản công của địch. Tiểu đoàn 14 bộ đội của tỉnh phối hợp với du kích tại chỗ đánh địch ở các làng Cu Hoan, Trà Trì, Trà Lộc. Ngày 22-7-1972 địch đổ bộ bằng trực thăng xuống phía bắc sông Vĩnh Định đã bị lực lượng của ta đánh thiệt hại nặng. 
Thành Cổ Quảng Trị - một trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay và pháo hạm Mỹ, cũng là mục tiêu quan trọng nhất của cuộc hành quân “Lam Sơn 72”. Địch ngày càng xiết chặt vòng vây xung quanh thị xã. Bộ đội ta chiến đấu trong hoàn cảnh thiếu quân số và trang bị nghiêm trọng. Thời tiết lại vào mùa mưa, lũ đến sớm, bom đạn địch dày đặc càng làm cho ta gặp nhiều khó khăn, tổn thất. Nhưng các lực lượng vũ trang ta vẫn kiên cường bám trụ, với tinh thần anh dũng vô song. Giữ trọn lời thề “K3 Tam Đảo còn - Thành Cổ Quảng Trị còn”, bộ đội địa phương Quảng Trị đã cùng với bộ đội chủ lực giành giật với địch từng tấc đất, mét hào, từng mảng tường, góc hầm, đẩy lùi hết đợt phản kích này đến đợt phản kích khác của địch từ nhiều phía. Mảnh đất Thành Cổ với chu vi hơn 2.160m nhưng phải hưng chịu một khối lượng bom đạn khổng lồ tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử ném xuống Hi rô si ma và Nagasaki (Nhật Bản). Đến ngày 16-9-1972, quân ta được lệnh rút lui về phía sau.  
Dù kiểm soát được Thành cổ Quảng Trị và huyện Hải Lăng nhưng việc để mất phần lớn tỉnh Quảng Trị không chỉ ảnh hưởng xấu đến tinh thần ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn mà còn làm mất uy danh của giới cầm quyền Nhà Trắng và Lầu Năm Góc, gây bất lợi cho phái đoàn đàm phán của Mỹ ở Hội nghị Paris, Mỹ đốc thúc chính quyền Sài Gòn dồn lực phản công tái chiếm lại tỉnh Quảng Trị bằng mọi giá. Cuối tháng 9-1972, Mỹ - ngụy tiếp tục mở cuộc hành quân “Lam Sơn 72A” đánh ra các bàn đạp ở phía đông và phía tây. Lợi dụng mùa mưa lũ, lực lượng vũ trang ta gặp muôn vàn khó khăn thì địch tập trung bom pháo hủy diệt và cho bộ binh liên tục tấn công quyết chiếm bằng được các bàn đạp quan trọng. Tuy nhiên, các lực lượng vũ trang ta giữ vững trận địa, đánh bại các cuộc hành quân “Sóng thần 9”, “Sóng thần 36”, “Sóng thần 45”, “Sóng thần 18 và cao điểm là cuộc hành quân “Tănggô XiTy” âm mưu tái chiếm Cửa Việt (từ ngày 17-9 đến ngày 31-1-1973), bảo vệ và giữ vững phần lớn vùng giải phóng Quảng Trị.
Thắng lợi của cuộc tổng tiến công chiến lược năm 1972 và chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng, đặc biệt là 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị là một đòn quyết định làm phá sản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đây là một sự kiện quan trọng trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, góp phần quyết định thắng lợi của cuộc đấu tranh ngoại giao, buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pari, mở đường cho đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Tổng Bí thư Lê Duẩn trong lần về thăm Thành Cổ Quảng Trị đã khẳng định: “Chúng ta đã chịu đựng được không phải vì chúng ta là gang thép, vì gang thép cũng chảy với bom đạn của chúng. Mà chính chúng ta là những con người, những con người thật sự - những con người Việt Nam, với truyền thống 4.000 năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại”(Trích "bài viết của Tổng Bí thư Lê Duẩn lưu tại Bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị). Đảng bộ, quân và nhân dân Quảng Trị vinh dự, tự hào vì đã góp phần cùng cả nước viết nên bản hùng ca bất tử trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng. Phát huy tinh thần, giá trị của sự kiện giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị và cuộc chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng 50 năm về trước, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng Trị nguyện nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường, vượt qua mọi khó khăn, khai thác tiềm năng lợi thế, tạo xung lực mới cho sự phát triển, quyết tâm xây dựng quê hương Quảng Trị ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và đồng chí, đồng bào cả nước.

Nguồn tin: tinhuyquangtri.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây