Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay

Thứ sáu - 10/11/2023 01:41 701 0
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ sống còn nhằm bảo vệ Đảng, Nhà nước, góp phần quan trọng củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trong đó phát huy vai trò trách nhiệm của cán bộ, đảng viên là giải pháp quan trọng hàng đầu trong giai đoạn hiện nay.
Hình ảnh minh họa - Ảnh: S.T
Hình ảnh minh họa - Ảnh: S.T
V.I.Lênin đã từng khẳng định căn bệnh tham ô, tham nhũng, hối lộ trong đảng viên, những cán bộ có chức quyền đó chính là nguy cơ lớn nhất đe dọa sự tồn vong của chế độ. V.I.Lênin đã chỉ rõ: “Chủ nghĩa quan liêu, tức là đem lợi ích của sự nghiệp phục tùng lợi ích của tư tưởng danh vị, tức là hết sức chú trọng đến địa vị mà không đếm xỉa đến công tác”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh và đề cao vai trò của việc nên gương của mỗi cán bộ, đảng viên. Người đã chỉ rõ: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Nêu gương của Người đó chính là cách thức quan trọng để mỗi cán bộ, đảng viên phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân.
Trong những năm qua, nhất là từ nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tham nhũng từng bước được đẩy lùi. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp, tập trung vào những cán bộ có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy nhà nước. Do một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về đạo đức, về lối sống, phai nhạt lý tưởng, nói không đi đôi với làm. Vì vậy, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương là một việc làm hết sức quan trọng, từ đó Đảng ta đã ban hành các quy định như: Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 06 tháng 7 năm 2022, của Ban Chấp hành Trung ương  về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm; Quy định số 101-QÐ/TW ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25 tháng 10 năm 2021, về những điều đảng viên không được làm... 
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra giải pháp là đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên: “Nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, thực hiện thường xuyên, sâu rộng, có hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”.
Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong thời gian qua mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp đang đặt ra. Tham nhũng, tiêu cực ngày càng diễn ra với thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt, có sự cấu kết giữa một bộ phận cán bộ công chức, giữa các cấp các ngành; tình trạng lợi ích nhóm, cấu kết giữa nhà nước với các doanh nghiệp diễn ra ở một số lĩnh vực, địa phương; cơ chế kiểm soát quyền lực còn có những bất cập; công tác giáo dục, rèn luyện đảng viên chưa được thường xuyên... 
Do đó, để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới hiệu quả hơn theo tinh thần chỉ đạo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là thực hiện “4 hơn”: Làm tích cực hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa và hiệu quả hơn nữa và 3 không: Không đùn đẩy, không né tránh và không đổ lỗi khách quan với tinh thần “kiên quyết, kiên trì, không nghỉ, không ngừng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, mỗi cấp ủy Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên cần tập trung vào một số nhiệm vụ sau:
Một là, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, đề cao lòng danh dự, thường xuyên tự soi, tự sửa. Phải luôn tự giác trong việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nói phải đi đôi với làm, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay.
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ trong thực thi nhiệm vụ được giao, phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp. Phải coi công tác phòng, chống tiêu cực là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Ba là, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, xem đây là công việc thường xuyên, tự giác của mỗi cơ quan, đơn vị và của cán bộ, đảng viên. Mỗi một cán bộ đảng viên phải xây dựng bản đăng ký nêu gương trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao. Phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những điển hình tiên tiến đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

            

Tác giả bài viết: Xuân Ngọc- Trường chính trị Lê Duẩn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây