Đóng dấu giáp lai

Hỏi: Cấp ủy cơ sở đóng dấu giáp lai vào lý lịch đảng viên, ảnh trong lý lịch đảng viên và phiếu đảng viên bằng con dấu nổi hay dấu ướt?

Trả lời:
Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW, ngày 18/01/2022 của Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn nghiệp vụ công tác đảng viên hướng dẫn như sau: Cấp ủy cơ sở đóng dấu giáp lai tất cả các trang trong lý lịch đảng viên, phiếu đảng viên bằng con dấu ướt của cấp ủy; đóng dấu giáp lai vào ảnh trong lý lịch đảng viên và phiếu đảng viên bằng con dấu ướt của cấp ủy.

Chuyển giao tổ chức và chuyển sinh hoạt tập thể

Hỏi: Xin được hỏi về quy trình chuyển giao tổ chức và chuyển sinh hoạt đảng tập thể cho đảng viên ở những nơi thành lập mới, chia tách, hợp nhất, sáp nhập đối với chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở?

Trả lời:
Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW, ngày 18/01/2022 của Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn nghiệp vụ công tác đảng viên hướng dẫn như sau: 
- Đối với chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở:
+ Nếu trong phạm vi đảng bộ cơ sở, thì đảng ủy cơ sở ra quyết định chuyển giao tổ chức và đảng viên; chi ủy chi bộ nơi giao và nơi nhận lập biên bản bản giao sổ danh sách đảng viên của chi bộ và cùng ký tên vào biên bản.
+ Nếu ngoài phạm vi đảng bộ cơ sở, thì cấp ủy huyện và tương đương ra quyết định chuyển giao; đảng ủy cơ sở nơi nhận ra quyết định tiếp nhận tổ chức và đảng viên; đảng ủy cơ sở nơi giao và nơi nhận lập biên bản bàn giao sổ danh sách đảng viên của chi bộ, kèm theo hồ sơ đảng viên, ký tên, đóng dấu của cấp ủy nơi giao, nơi nhận vào trang đầu sổ danh sách đảng viên và biên bản bàn giao.
- Đối với đảng bộ, chi bộ cơ sở:
+ Nếu trong phạm vi đảng bộ huyện và tương đương thì cấp ủy huyện và tương đương ra quyết định chuyển giao tổ chức đảng và đảng viên, đảng ủy cơ sở nơi giao và nơi nhận lập biên bản bàn giao sổ danh sách đảng viên của các chi bộ trực thuộc, kèm theo hồ sơ đảng viên, ký tên, đóng dấu của cấp ủy nơi giao, nơi nhận vào trang đầu sổ danh sách đảng viên và biên bản bàn giao.
+ Nếu ngoài phạm vi đảng bộ huyện và tương đương thì cấp ủy tỉnh và tương đương nơi chuyển giao ra quyết định chuyển giao tổ chức đảng và đảng viên; cấp ủy huyện và tương đương nơi tiếp nhận ra quyết định tiếp nhận. Ban tổ chức của cấp ủy huyện và tương đương nơi giao và nơi nhận lập biên bản bàn giao sổ danh sách đảng viên kèm theo hồ sơ đảng viên, ký tên, đóng dấu của ban tổ chức nơi giao và nơi nhận vào trang đầu sổ danh sách đảng viên và biên bản bàn giao.

Đảng viên bị xóa tên trong danh sách đảng viên

Hỏi: Đảng viên bị xóa tên trong danh sách đảng viên trong trường hợp nào?

Trả lời:
Khoản 8.1, Điều 8, Mục 8, Quy định số số 24-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thi hành Điều lệ Đảng quy định về xóa tên đảng viên như sau: “...Chi bộ xem xét, đề nghị cấp uỷ có thẩm quyền quyết định xoá tên trong danh sách đảng viên đối với các trường hợp sau: đảng viên bỏ sinh hoạt đảng hoặc không đóng đảng phí ba tháng trong năm mà không có lý do chính đáng; đảng viên tự ý trả thẻ đảng viên hoặc tự huỷ thẻ đảng viên; đảng viên giảm sút ý chí phấn đấu, không thực hiện nhiệm vụ đảng viên, đã được chi bộ giáo dục nhưng sau thời gian 12 tháng phấn đấu không tiến bộ; đảng viên hai năm liền vi phạm tư cách đảng viên; đảng viên không bảo đảm tiêu chuẩn chính trị theo quy định của Bộ Chính trị”.
Căn cứ quy định trên, nếu đảng viên có hành vi: (1) Bỏ sinh hoạt đảng hoặc không đóng đảng phí ba tháng trong năm mà không có lý do chính đáng; (2) tự ý trả thẻ đảng viên hoặc tự huỷ thẻ đảng viên; (3) giảm sút ý chí phấn đấu, không thực hiện nhiệm vụ đảng viên, đã được chi bộ giáo dục nhưng sau thời gian 12 tháng phấn đấu không tiến bộ; (4) hai năm liền vi phạm tư cách đảng viên; (5) không bảo đảm tiêu chuẩn chính trị theo quy định của Bộ Chính trị thì bị xóa tên trong danh sách đảng viên.

Công nhận đảng viên chính thức

Hỏi: Đồng chí Trần Văn A được Ban Thường vụ huyện B ra quyết định kết nạp vào Đảng ngày 29/11/2019, được chi bộ tổ chức lễ kết nạp ngày 04/12/2019. Đến tháng 12/2020, Đảng ủy xã X nhận được hồ sơ đề nghị công nhận đảng viên chính thức cho đồng chí Trần Văn A. Tuy nhiên, qua xem xét Đảng ủy xã X phát hiện chi bộ chưa phân công đảng viên chính thức theo dõi, giúp đỡ đảng viên dự bị A. Để đảm bảo trình tự, thủ tục chuyển đảng chính thức cho đảng viên A, Đảng ủy xã X đã chỉ đạo chi bộ thực hiện việc phân công đảng viên chính thức theo dõi, giúp đỡ đảng viên dự bị. Sau 12 tháng theo dõi, giúp đỡ đảng viên dự bị, ngày 10/12/2021 chi bộ họp xét và hoàn tất thủ tục đề nghị công nhận đảng viên chính thức đối với đồng chí Trần Văn A.
Xin hỏi, việc công nhận đảng viên chính thức đối với trường hợp nêu trên được xác định vào thời điểm nào để đảm bảo quyền lợi cho đảng viên và đúng quy định?

Trả lời:
Tại Điểm 4.2.2, Khoản 4, Quy định số số 24-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thi hành Điều lệ Đảng quy định: “Đảng viên dự bị đủ điều kiện được công nhận là đảng viên chính thức, dù chi bộ họp chậm, cấp ủy có thẩm quyền chuẩn y chậm vẫn được công nhận đảng viên chính thức đúng thời điểm hết 12 tháng dự bị”. Do vậy, trường hợp đồng chí Trần Văn A trong thời gian dự bị chi bộ chưa phân công đảng viên chính thức theo dõi, giúp đỡ là chưa thực hiện đúng quy định của Điều lệ Đảng. Vì thế, cấp ủy có thẩm quyền cần xem xét, nếu trong thời gian dự bị, đồng chí Trần Văn A có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được công nhận đảng viên chính thức thì làm các thủ tục công nhận đảng viên chính thức cho đồng chí theo quy định (vì việc không phân công đảng viên chính thức theo dõi, giúp đỡ đảng viên dự bị là lỗi của chi bộ).

Khen thưởng

Đảng bộ bộ phận được khen thưởng như tổ chức cơ sở Đảng hay khen thưởng như Chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở?

Trả lời:
Căn cứ Điểm 19.1.a Hướng dẫn số 01-HD/TW, ngày 28/9/2021 của Ban Bí thư hướng dẫn một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng quy định: “Tổ chức đảng có thành tích được xét khen thưởng gồm: đảng bộ huyện và tương đương, tổ chức cơ sở đảng, đảng bộ bộ phận, chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở…”. Do vậy, đảng bộ bộ phận được khen thưởng như  tổ chức cơ sở đảng và chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở theo quy định.

Cách khai nơi sinh của cán bộ, đảng viên

Ở Đảng bộ A có 02 luồng ý kiến về cách kê khai nơi sinh của cán bộ, đảng viên.
- Ý kiến thứ nhất: Theo khoản 3 điều 31 Thông tư số 04/2020/TT-BTP hướng dẫn Luật Hộ tịch thì nơi sinh được ghi theo địa chỉ bệnh viện, nhà hộ sinh, trạm y tế (gọi tắt là cơ sở y tế);
- Ý kiến thứ hai: Theo cách ghi nơi sinh theo hồ sơ cán bộ, công chức và hồ sơ đảng viên lâu nay thì nơi sinh được ghi là xã, phường, thị trấn thuộc huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Xin hỏi ý kiến nào là đúng?

Trả lời:
Theo Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW, ngày 18/01/2022 của Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn nghiệp vụ công tác đảng viên hướng dẫn cách khai nơi sinh của đảng viên: Ghi rõ xã (phường, thị trấn), huyện (quận, thị xã, thành phố trực thuộc thành phố, thành phố trực thuộc tỉnh), tỉnh (thành phố trực thuộc Trung ương) nơi cấp giấy khai sinh theo tên hiện dùng của hệ thống hành chính Nhà nước.
Như vậy, ý kiến thứ hai là đúng.

Thành lập Đảng bộ bộ phận

Chi bộ B hỏi: Chi bộ trực thuộc đảng ủy cấp trên cơ sở có trên 30 đảng viên có được thành lập đảng bộ bộ phận không? Nếu được thành lập, đảng bộ bộ phận đó trực thuộc cấp ủy cấp trên cơ sở hay trực thuộc cấp ủy nào?

Trả lời:
Tại Điểm 19.3.3, Quy định số 24-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thi hành Điều lệ Đảng quy định: “Ở một số tổ chức cơ sở đảng có đông đảng viên có thể được lập đảng bộ bộ phận,Đảng ủy bộ phận trực thuộc Đảng ủy cơ sở và là cấp trên của các chi bộ, sinh hoạt thường kỳ một tháng một lần…”.
Căn cứ quy định trên thì đảng ủy bộ phận trực thuộc đảng ủy cơ sở nên chi bộ trực thuộc đảng ủy cấp trên cơ sở không được thành lập đảng bộ bộ phận.

Đại hội

Đảng bộ C hỏi: Đại hội cơ sở không tiến hành phiên trù bị, như vậy có được không? Nếu bắt buộc phải có phiên trù bị thì nội dung gồm những gì và có được thảo luận văn kiện cấp trên ở phiên này không?

Trả lời:
Phiên trù bị của Đại hội không phải là quy trình bắt buộc, tuy nhiên, để tập trung những nội dung chính của Đại hội cho phiên chính thức thì có thể tiến hành 02 phiên: phiên trù bị và phiên chính thức.
Nếu có phiên trù bị thì chỉ được thực hiện các nội dung sau:
- Bầu Đoàn Chủ tịch Đại hội;
- Bầu Đoàn Thư ký Đại hội; 
- Bầu Ban Thẩm tra tư cách đại biểu;
- Thảo luận và thông qua Nội quy, Chương trình làm việc của Đại hội;
- Thảo luận và thông qua Quy chế bầu cử, Quy chế làm việc, hướng dẫn sinh họa của đại biểu.
Ngoài ra có thể thảo luận các dự thảo văn kiện của Đại hội cấp trên (do cấp ủy cấp trên gửi lấy ý kiến).
 

Truy tặng Huy hiệu Đảng

Đảng bộ B hỏi: Việc thực hiện truy tặng Huy hiệu Đảng sớm không quá 01 năm đối với đảng viên đã từ trần từ trước đến nay nếu có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định hay chỉ thực hiện truy tặng Huy hiệu Đảng sớm không quá 01 năm đối với những đảng viên từ trần tính từ ngày Quy định số 24-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng có hiệu lực thi hành nếu có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định?

Trả lời:
Tiết b, Điểm 27.3.1 Quy định số 24-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thi hành Điều lệ Đảng quy định: “Đảng viên bị bệnh nặng hoặc từ trần có thể được xét tặng, truy tặng Huy hiệu Đảng sớm, nhưng không được quá một năm…theo Quy định”. Đồng thời, Mục 35 quy định: “Quy định này…có hiệu lực thi hành từ ngày ký”.
Do đó, các trường hợp đảng viên từ trần trước ngày Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Quy định số 24-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 về thi hành Điều lệ Đảng không được xét truy tặng Huy hiệu Đảng sớm.

Thời gian sinh hoạt chuyên đề

Chi bộ A hỏi: Hiện nay, Trung ương quy định thời gian sinh hoạt chi bộ chuyên đề tối thiểu là 90 phút. Quy định như vậy rất bất cập đối với các chi bộ có ít đảng viên (3 - 5 đảng viên). Vậy, chi bộ có thể điều chỉnh thời gian sinh hoạt chi bộ phù hợp với chi bộ có ít đảng viên không?

Trả lời:
Tại Mục III, Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW, ngày 06/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương “Hướng dẫn một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” nêu: “Các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương hướng dẫn nội dung sinh hoạt thường kỳ, định hướng việc sinh hoạt chuyên đề phù hợp với đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị trong từng giai đoạn, bảo đảm tính toàn diện, phong phú, thiết thực, hiệu quả”.
Tại Tiết 3.3, Điểm 3, Mục II của Hướng dẫn trên nêu: “Đối với chi bộ có quá ít đảng viên thì cấp ủy có thẩm quyền quy định cụ thể thời gian sinh hoạt”.
Vậy, chi bộ có thể điều chỉnh thời gian sinh hoạt chi bộ phù hợp với loại hình, đặc điểm, chức năng của cơ quan, đơn vị hoặc chi bộ có ít đảng viên.

Việc xử lý kỷ luật đảng viên được miễn sinh hoạt đảng

Hỏi: Đảng viên được miễn sinh hoạt vi phạm kỷ luật thì thực hiện kỷ luật hay xóa tên đảng viên đó?

Trả lời:
Điểm 7.2.4, Khoản 7.2, Điều 7, Quy định số 24-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương quy định thi hành Điều lệ Đảng quy định về quyền và trách nhiệm của đảng viên được miễn sinh hoạt như sau: “Bản thân phải gương mẫu và vận động gia đình chấp hành chủ trương, chính sách của đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, nếu vi phạm kỷ luật đảng thì xử lý kỷ luật như đảng viên đang sinh hoạt theo quy định của Điều lệ Đảng”.
Căn cứ quy định trên, đảng viên được miễn sinh hoạt vi phạm kỷ luật thì tổ chức đảng có thẩm quyền vẫn xem xét, xử lý kỷ luật đảng như đối với đảng viên đang sinh hoạt theo quy định.

Xét tặng Huy hiệu Đảng

Hỏi: Đảng viên đến thời điểm được xét tặng Huy hiệu đảng nếu bị xử lý kỷ luật đảng thì có được xét tặng Huy hiệu đảng hay không?

Trả lời:
Quy định số 24-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương quy định thi hành Điều lệ Đảng quy định: “Đảng viên có đủ 30 năm, 40 năm, 45 năm, 50 năm, 55 năm, 60 năm, 65 năm, 70 năm, 75 năm, 80 năm, 85 năm, 90 năm tuổi đảng trở lên thì được tặng Huy hiệu đảng”.
Tuy nhiên, đảng viên đến thời điểm được xét tặng Huy hiệu đảng nếu bị xử lý kỷ luật đảng thì chưa được xét tặng Huy hiệu đảng. Cụ thể, tại điểm 27.3.1 (c) Quy định số 24-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương quy định thi hành Điều lệ Đảng quy định: “Tại thời điểm xét tặng Huy hiệu đảng, đảng viên bị kỷ luật về đảng thì chưa được xét tặng; sau 06 tháng (đối với kỷ luật khiển trách), 09 tháng (đối với kỷ luật cảnh cáo), 01 năm (đối với kỷ luật cách chức), nếu sửa chữa tốt khuyết điểm, được chi bộ công nhận sẽ được xét tặng Huy hiệu đảng”.

Việc thẩm tra lý lịch xin vào đảng

Hỏi: Trong quá trình làm hồ sơ thủ tục kết nạp đảng, Cấp ủy giao cho quần chúng tự đi thẩm tra lý lịch xin vào đảng của mình là đúng hay sai?

Trả lời:
Điểm 3.4 (d), Hướng dẫn số 01-HD/TW, ngày 28/9/2021 của Ban Bí thư hướng dẫn một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng quy định:
“Trách nhiệm của Chi bộ và Cấp ủy cơ sở nơi có người vào Đảng:
- Kiểm tra, đóng dấu giáp lai vào các trang trong lý lịch của người vào đảng (Chi ủy chưa nhận xét và Cấp ủy cơ sở chưa chứng nhận, ký tên, đóng dấu vào lý lịch);
- Gửi công văn đề nghị thẩm tra và lý lịch người xin vào đảng đến Cấp ủy cơ sở hoặc cơ quan có trách nhiệm để thẩm tra, trường hợp cần thiết thì Chi bộ cử đảng viên đi thẩm tra. Đảng viên đi thẩm tra có trách nhiệm báo cáo Cấp ủy những nội dung được giao bằng văn bản và chịu trách nhiệm trước đảng về những nội dung đó.
- Tổng hợp kết quả thẩm tra, ghi nội dung chứng nhận, ký tên, đóng dấu vào lý lịch của người vào đảng.
Điểm 1.4.2 (24), mục I, Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW, ngày 18/01/2022 của Ban Tổ chức Trung ương về hướng dẫn nghiệp vụ công tác đảng viên quy định tại mục Lưu ý: “Chi bộ, Cấp ủy cơ sở chưa nhận xét, chưa chứng nhận, ký tên, đóng dấu vào lý lịch mà chỉ đóng dấu giáp lai vào tất cả các trang và ảnh trong lý lịch của người xin vào đảng; gửi công văn đề nghị thẩm tra hoặc cử đảng viên đi thẩm tra lý lịch.
Không được cử người vào đảng hoặc người thân (bố, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con đẻ, con nuôi có đăng ký hợp pháp) của người vào đảng đi thẩm tra lý lịch.
Như vậy, việc cấp ủy giao cho quần chúng tự đi thẩm tra lý lịch xin vào đảng của mình là sai quy định.

Việc chuyển sinh hoạt đảng

Hỏi: Khi chuyển sinh hoạt đảng, đảng viên phải tự mang hồ sơ từ Đảng ủy cơ sở lên Cấp ủy cấp trên trực tiếp để làm thủ tục chuyển sinh hoạt đảng hay Đảng ủy cơ sở mang hồ sơ lên Cấp ủy cấp trên trực tiếp để làm thủ tục chuyển sinh hoạt đảng, sau đó mới giao cho đảng viên báo cáo Cấp ủy nơi chuyển đến?

Trả lời:
Điểm 6.3.1 (d) Quy định số 24-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương quy định thi hành Điều lệ Đảng quy định: “Khi chuyển sinh hoạt đảng chính thức cho đảng viên, cấp ủy nơi đang sinh hoạt và công tác làm đầy đủ thủ tục, niêm phong hồ sơ, giao cho đảng viên trực tiếp mang theo để báo cáo với tổ chức đảng làm thủ tục giới thiệu và tiếp nhận sinh hoạt đảng theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương”.
Như vậy, khi chuyển sinh hoạt đảng thì cấp ủy nơi đi làm thủ tục chuyển sinh hoạt, giao cho đảng viên, đảng viên phải tự mang hồ sơ đến các tổ chức đảng để làm thủ tục chuyển sinh hoạt đảng tới tổ chức đảng nơi đến theo đúng quy định.
Thủ tục giới thiệu chuyển sinh hoạt đảng đã được nêu cụ thể từng trường hợp tại Điểm 4, mục II Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW, ngày 18/01/2022 của Ban Tổ chức Trung ương về hướng dẫn nghiệp vụ công tác đảng viên.

Việc bổ sung hồ sơ đảng viên

Câu hỏi: Ở đơn vị A hiện nay có 02 ý kiến:
- Việc đảng viên phải khai Phiếu bổ sung lý lịch hằng năm chỉ nên áp dụng đúng với các trường hợp có thay đổi, biến động, để tránh hồ sơ đảng viên phải lưu trữ nhiều tài liệu, trong đó có nhiều trường hợp nhiều năm không có thay đổi về lý lịch.
- Không cần quy định việc đảng viên phải bổ sung các văn bằng, chứng chỉ về chuyên môn, nghiệp vụ vào hồ sơ đảng viên, vì các tài liệu này đã được lưu trong hồ sơ cán bộ và thể hiện trên tờ khai Phiếu bổ sung lý lịch đảng viên hằng năm (nếu có biến động).
Xin hỏi các ý kiến này có đúng không?

Trả lời:
Căn cứ điểm 6.2.3, Quy định số 24-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương quy định thi hành Điều lệ Đảng quy định: “Hằng năm, các cấp ủy chỉ đạo, kiểm tra việc bổ sung lý lịch đảng viên và quản lý hồ sơ đảng viên”; Căn cứ điểm 8.1.c, Hướng dẫn số 01-HD/TW, ngày 28/9/2021 của Ban Bí thư hướng dẫn một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng quy định: “Chi ủy, Chi bộ hướng dẫn, thu nhận, kiểm tra, xác nhận Phiếu bổ sung hồ sơ đảng viên lên Đảng ủy cơ sở (nếu là Chi bộ cơ sở thì Chi ủy xác nhận vào mục của Cấp ủy cơ sở). Cấp ủy cơ sở ghi bổ sung vào lý lịch đảng viên vào danh sách đảng viên của Đảng bộ, chuyển Phiếu bổ sung hồ sơ đảng viên lên Đảng ủy cấp trên trực tiếp”.
Như vậy, theo quy định, hướng dẫn trên thì Phiếu bổ sung hồ sơ đảng viên là căn cứ để cấp ủy có thẩm quyền bổ sung vào lý lịch đảng viên; cần phải có để lưu trữ theo hồ sơ đảng viên. Cả 02 ý kiến trên là không đúng.
 

Xử lý kỷ luật đảng viên

Điểm h, Khoản 3, Điều 16, Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/7/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm quy định về hành vi “đưa, nhận hối lộ…” sẽ bị xử lý kỷ luật đảng viên bằng hình thức khai trừ.
Vậy, việc đưa và nhận hối lộ đó có phải được định lượng bằng tiền hoặc giá trị tài sản cụ thể là bao nhiêu không?

Trả lời:
Tại Điểm h, Khoản 3, Điều 16, Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/7/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm quy định về việc đảng viên sẽ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khai trừ nếu đảng viên có hành vi đưa, nhận hối lộ…. Tuy nhiên, quy định này không nêu định lượng bằng tiền hay tài sản cụ thể là bao nhiêu thì sẽ bị xử lý.
Do đó, đảng viên có hành vi đưa, nhận hối lộ thì tổ chức đảng có thẩm quyền căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, nguyên nhân vi phạm của đảng viên để xem xét, xử lý kỷ luật khai trừ theo quy định nêu trên.

Thi hành kỷ luật

Câu hỏi: Đảng viên vi phạm bị chi bộ kỷ luật khiển trách có hiệu lực từ khi nào? Chi bộ cấp dưới cơ sở không có con dấu riêng, vậy khi Chi bộ ban hành quyết định kỷ luật đối với đảng viên vi phạm theo thẩm quyền thì đóng dấu của tổ chức đảng nào và việc đóng dấu được thực hiện như thế nào?

Trả lời:
Theo Khoản 2 Điều 16, Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng “Quyết định khiển trách, cảnh cáo đối với đảng viên vi phạm của chi bộ có hiệu lực ngay sau khi chi bộ công bố kết quả biểu quyết quyết định kỷ luật. Trong vòng 10 ngày, chi bộ ban hành quyết định kỷ luật giao cho đảng viên bị kỷ luật, báo cáo cấp trên và lưu hồ sơ. Quyết định kỷ luật của chi bộ (trong đảng bộ bộ phận, trong đảng bộ cơ sở), của Ủy ban Kiểm tra đảng ủy cơ sở được đóng dấu của đảng ủy cơ sở vào phía trên, góc trái. Đảng ủy cơ sở hoặc cấp ủy cấp trên trực tiếp không phải ra quyết định chuẩn y
Như vậy, quyết định khiển trách đối với đảng viên vi phạm của chi bộ có hiệu lực ngay sau khi chi bộ công bố kết quả biểu quyết quyết định kỷ luật. Trong trường hợp câu hỏi nêu, nếu Chi bộ ban hành quyết định kỷ luật đảng viên theo thẩm quyền thì quyết định kỷ luật đó phải được đóng dấu của Đảng ủy cơ sở vào phía trên, góc trái.

Thời hạn khiếu nại, kỷ luật

Câu hỏi: Thời hạn khiếu nại kỷ luật đảng của đảng viên tính từ ngày nào đến ngày nào?

Trả lời:
Khoản 1, Điều 26 Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng “Thời hạn khiếu nại trong vòng 30 ngày, tính từ ngày nhận quyết định kỷ luật hoặc quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật (căn cứ biên bản công bố) đến ngày đảng viên bị kỷ luật gửi đơn khiếu nại trực tiếp hoặc theo dấu bưu điện chuyển đến”.

Việc xử lý kỷ luật

Câu hỏi: Đảng viên A. sử dụng bằng không hợp pháp để thi tuyển công chức và đã công tác được 20 năm, kể từ ngày được tuyển dụng đến nay mới bị phát hiện có vi phạm về sử dụng văn bằng không hợp pháp. Hiện có 2 loại ý kiến:
- Ý kiến thứ nhất: Không kiểm tra, xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên A. vì vi phạm đã quá lâu, đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật về Đảng.
- Ý kiến thứ hai: Vẫn xét, xử lý kỷ luật theo quy định.
Hỏi ý kiến nào đúng?

Trả lời:
Khoản 2, Điều 3, Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm quy định không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đảng đối với đảng viên vi phạm về "sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp”.
Căn cứ quy định trên, trường hợp câu hỏi nêu, đảng viên A. có vi phạm nêu trên vẫn phải được kiểm tra, xem xét, kết luận và xử lý kỷ luật theo quy định (ý kiến thứ hai là đúng).

Giải quyết khiếu nại

Câu hỏi: Đảng viên A. bị BTV Đảng ủy Khối tỉnh thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ. Vậy tổ chức Đảng có thẩm quyền nào là cấp giải quyết khiếu nại cuối cùng đối với khiếu nại của đồng chí đó?

Trả lời:
Khoản 3, Điều 22 Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng
“Uỷ ban Kiểm tra Trung ương là cấp giải quyết khiếu nại cuối cùng đối với các hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, cách chức; Ban Bí thư là cấp giải quyết khiếu nại cuối cùng đối với hình thức kỷ luật khai trừ do cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương trở xuống quyết định”.
Căn cứ quy định trên, trường hợp câu hỏi nêu, Ban Bí thư là cấp khiếu nại cuối cùng đối với khiếu nại của đảng viên A.
 

Việc kết nạp đảng viên

Câu hỏi: Quần chúng Nguyễn Văn A, năm 2017 được Chi bộ thôn B, Đảng ủy xã X đề nghị Cấp ủy cấp huyện xem xét, quyết định kết nạp vào Đảng. Tuy nhiên, đến năm 2018 khi làm thủ tục công nhận đảng viên chính thức thì phát hiện tổ chức đảng nơi kết nạp đã kết nạp đồng chí A vào đảng không đúng thẩm quyền và Cấp ủy huyện đó đã hủy quyết định kết nạp đảng. Đến nay, tổ chức đảng cơ quan đồng chí A đang công tác làm thủ tục đề nghị kết nạp đồng chí A vào đảng thì cấp ủy cấp trên cơ sở có phải báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy như đối với các trường hợp kết nạp lại vào đảng hay không?

Trả lời:
Căn cứ điểm 4.4, Quy định số 29-QĐ/TW, ngày 25/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương quy định Thi hành Điều lệ đảng; Điểm 3, Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW, ngày 05/6/2017 của Ban Tổ chức Trung ương “hướng dẫn nghiệp vụ công tác đảng viên” thì quần chúng A đủ tiêu chuẩn, điều kiện kết nạp vào đảng, chỉ sai về thẩm quyền khi kết nạp nên không phải xóa tên trong danh sách đảng viên. Do vậy, quần chúng A không thuộc trường hợp kết nạp lại, đến nay tiến hành kết nạp đồng chí A vào đảng thì không phải báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
 

Chuyển sinh hoạt đảng

Câu hỏi: Tôi chuyển sinh hoạt đảng ra khỏi công ty năm 2016 và đã nhận hồ sơ đảng viên để chuyển về nơi cư trú. Tuy nhiên, do điều kiện đi làm ăn xa, tôi đã quên nộp hồ sơ đảng viên về nơi cư trú. Hiện nay, tôi trở về công tác tại công ty cũ và muốn được sinh hoạt trở lại nhưng không biết phải như thế nào?
Vậy tôi còn là đảng viên nữa không, nếu còn thì tôi phải làm thế nào để được sinh hoạt trở lại?

Trả lời:
Việc đảng viên sau khi làm thủ tục chuyển sinh hoạt đảng nhưng không mang hồ sơ đảng viên đến cấp ủy có thẩm quyền để nộp theo quy định và bỏ sinh hoạt đảng từ năm 2016 cho đến nay thể hiện sự thiếu ý thức phấn đấu, vô tổ chức kỷ luật, không còn đủ tư cách đảng viên. Điều 8, Điều lệ Đảng quy định: “Đảng viên bỏ sinh hoạt chi bộ hoặc không đóng đảng phí 3 tháng trong năm mà không có lý do chính đáng;… thì chi bộ xem xét, đề nghị lên cấp có thẩm quyền xóa tên trong danh sách đảng viên”; Điểm d, mục 3.3.1, Khoản 3, Phần II Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW, ngày 05/6/2017 của Ban Tổ chức Trung ương “hướng dẫn nghiệp vụ công tác đảng viên” quy định: “Cấp uỷ có thẩm quyền nơi đảng viên chuyển đến xem xét, nếu đảng viên không  nộp hồ sơ hoặc chậm nộp hồ sơ chuyển sinh hoạt đảng quá 3 tháng mà không có lý do chính đáng thì ra quyết định xoá tên đảng viên đó theo thẩm quyền với lý do “tự ý bỏ sinh hoạt Đảng”, đồng thời gửi thông báo việc xoá tên đảng viên tới chi bộ và cấp uỷ cấp trên trực tiếp của chi bộ nơi đảng viên chuyển đi biết”.
Như vậy, trường hợp nêu trên không còn là đảng viên và không được nối lại sinh hoạt đảng.
 

Thời gian kết nạp lại đảng viên

Câu hỏi: Tôi là công chức và là đảng viên, năm 2015, khi đang phụ trách kỹ thuật của đơn vị, không may liên quan đến một tai nạn, bị phạt 02 năm tù giam; trong năm 2015, tôi đã bị kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng. Đến nay (tháng 8/2021), tôi đã được xóa án tích. Hiện nay, tôi vẫn muốn phấn đấu kết nạp vào Đảng. Tôi xin hỏi, sau bao lâu tôi có thể được đủ tiêu chuẩn để được giới thiệu kết nạp Đảng trở lại? Việc tôi từng bị kết án tù giam thì có ảnh hưởng gì đến việc phấn đấu của tôi hay không?

Trả lời:
Tại điểm 3.5 (3.5.1), Quy định số 29-QĐ/TW, ngày 25 tháng 7 năm 2016 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam “Thi hành Điều lệ Đảng” quy định về kết nạp lại người vào Đảng:
Người được xét kết nạp lại phải có đủ các điều kiện sau:
- Có đủ điều kiện và tiêu chuẩn của người vào Đảng quy định tại Điều 1 Điều lệ Đảng.
- Ít nhất là 36 tháng kể từ khi ra khỏi Đảng (riêng người bị án hình sự về tội ít nghiêm trọng thì phải sau 60 tháng kể từ khi được xoá án tích), làm đơn xin kết nạp lại vào Đảng; phải được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy (hoặc tương đương) đồng ý bằng văn bản, cấp ủy có thẩm quyền (Huyện ủy và tương đương) xem xét, quyết định.         
- Thực hiện đúng các thủ tục nêu ở các khoản 1, 2, 3 Điều 4 Điều lệ Đảng.
Như vậy, để được kết nạp lại vào Đảng, bạn phải đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo qui định tại Điều 1 của Điều lệ Đảng và phải sau 60 tháng kể từ ngày bạn được xóa án tích. Việc bạn từng bị kết án tù giam, không ảnh hưởng đến việc phấn đấu vào Đảng của bạn.
 

Việc xác minh lý lịch xin vào đảng

Câu hỏi: Chi bộ chúng tôi đang thực hiện công tác phát triển đảng cho một cảm tình đảng và đã tiến hành xác minh lý lịch. Theo chúng tôi hiểu, căn cứ Hướng dẫn số 01-HD/TW, ngày 20/9/2016 của Ban Bí thư thì ngoài bản thân cảm tình đảng, người cần xác minh là “cha, mẹ đẻ, cha, mẹ vợ (chồng) hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng bản thân; vợ hoặc chồng, con đẻ của người vào Đảng có năng lực hành vi dân sự đầy đủ”, nhưng khi đưa hồ sơ lên đảng ủy thì Đảng ủy yêu cầu phải xác minh cả anh, chị, em ruột của bản thân cảm tình đảng và bên vợ của người đó. Xin hỏi, yêu cầu này có đúng không? Chi bộ nên thực hiện như thế nào?

Trả lời:
Tại điểm 3, mục 3.4 Hướng dẫn số 01-HD/TW, ngày 20/9/2016 của Ban Bí thư “Một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng” có nêu:
a) Những người cần thẩm tra về lý lịch gồm:
- Người vào Đảng;
- Cha, mẹ đẻ, cha, mẹ vợ (chồng) hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng bản thân; vợ hoặc chồng, con đẻ của người vào Đảng có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (sau đây gọi chung là người thân).
c) Phương pháp thẩm tra, xác minh
Nếu người vào Đảng có một trong các trường hợp sau đây đang là đảng viên: cha, mẹ đẻ, anh, chị, em ruột, con đẻ và trong lý lịch người vào Đảng đã khai đầy đủ, rõ ràng, trung thực theo quy định thì không phải thẩm tra, xác minh. Nếu vợ (chồng) người vào Đảng đang là đảng viên hoặc có một trong các trường hợp sau đây đang là đảng viên: cha, mẹ đẻ, anh, chị, em ruột và trong lý lịch của người vào Đảng đã khai đầy đủ, rõ ràng, trung thực theo quy định thì không phải thẩm tra, xác minh bên vợ (chồng)….
Như vậy, anh, chị, em ruột của người vào Đảng hoặc anh, chị, em ruột của vợ (chồng) người vào Đảng không phải là đối tượng cần thẩm tra về lý lịch; tuy nhiên, nếu một trong những trường hợp vừa nêu đang là đảng viên thì chi bộ có thể đến tổ chức đảng đang quản lý đảng viên để xác nhận và đối chiếu lý lịch. Chi bộ nên liên hệ trực tiếp ban tổ chức quận ủy, huyện ủy (hoặc tương đương) để được hướng dẫn liên quan đến trường hợp cụ thể nêu trên.
Một số trường hợp cụ thể, cấp có thẩm quyền sẽ hướng dẫn riêng.
 

Việc thay đổi hộ tịch của đảng viên

Xin hỏi, là một đảng viên bình thường không giữ chức vụ gì trong Đảng và chính quyền, căn cứ vào quy định mới của Đảng về việc thay đổi hộ tịch thì cơ quan chủ quản có điều chỉnh năm sinh của tôi trong hồ sơ Cán bộ công nhân viên và Lý lịch đảng viên cho đúng với hồ sơ hộ tịch của tôi được không? Tôi cần làm thủ tục gì?

Trả lời:
Thông báo số 13-TB/TW, ngày 17/8/2016 và Hướng dẫn số 01-HD/TW, ngày 20/9/2016 của Ban Bí thư đã quy định: “Kể từ ngày 18/8/2016, không xem xét điều chỉnh tuổi của đảng viên mà thống nhất xác định tuổi của đảng viên theo tuổi khai trong hồ sơ Lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) khi được kết nạp vào Đảng”; Công văn số 1901-CV/BTCTW, ngày 05/12/2016 của Ban Tổ chức Trung ương nêu rõ: “Đối với trường hợp tuổi ghi trong hồ sơ lý lịch cán bộ hoặc các giấy tờ liên quan khác kèm theo hồ sơ cán bộ không trùng khớp với hồ sơ lý lịch đảng viên gốc, khi tiến hành quy trình công tác cán bộ như: quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, bố trí, sử dụng và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên thì các cấp ủy, tổ chức đảng phải lấy tuổi khai trong hồ sơ lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) khi kết nạp vào Đảng làm căn cứ để thực hiện nhất quán, nghiêm túc, khách quan, theo đúng Hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng (Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 20/9/2016) và Thông báo số 13-TB/TW ngày 17/8/2016 của Ban Bí thư”.
Căn cứ vào các quy định trên thì trường hợp của đồng chí không được xem xét điều chỉnh tuổi trong hồ sơ đảng viên.
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây