Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới

Thứ hai - 01/04/2024 05:10 51 0
Ngày 5/2/2024, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới. Chỉ thị số 30-CT/TW đã khẳng định, qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW, công tác tuyên truyền miệng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả, đổi mới nội dung, phương thức công tác tuyên truyền miệng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên được tăng cường về số lượng và chất lượng, phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, góp phần đưa nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống.
​​​​​​​UVTV- Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị Hồ Đại Nam tặng giấy khen cho các phóng viên có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền năm 2023(ảnh Báo Quảng Trị)
​​​​​​​UVTV- Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị Hồ Đại Nam tặng giấy khen cho các phóng viên có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền năm 2023(ảnh Báo Quảng Trị)

Đối với tỉnh Quảng Trị, xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, công tác tuyên truyền miệng ở tỉnh Quảng Trị đã không ngừng được đổi mới và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Qua 15 năm, việc tổ chức phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 17- CT/TW từ tỉnh đến cơ sở được triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đã góp phần nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng.

Xác định công tác tuyên truyền miệng là một hình thức đặc thù không thể thay thế trong công tác tư tưởng của Đảng, là kênh thông tin chính thống trực tiếp truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phổ biến, giáo dục, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên và Nhân dân; định hướng tư tưởng trong xã hội, góp phần tạo sự thống nhất tư tưởng, hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Vì thế, các cấp uỷ đảng thường xuyên chú trọng việc xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ngàng càng nâng cao chất lượng về chuyên môn và kỷ năng, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Ngay sau các kỳ đại hội Đảng, Ban Thường vụ cấp ủy tỉnh, cấp huyện và tương đương đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo cấp ủy tham mưu xem xét, lựa chọn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên nhiệm kỳ mới đảm bảo số lượng, chất lượng theo tiêu chuẩn, quy định của Ban Tuyên giáo Trung ương. Hiện nay, đội ngũ báo cáo viên các cấp hoạt động trên địa bàn tỉnh là 365 người, trong đó 4 báo cáo viên Trung ương, 47 báo cáo viên cấp tỉnh, 314 báo cáo viên cấp huyện và tương đương. Hằng năm cấp uỷ các cấp thường xuyên chỉ đạo rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đảm bảo về số lượng, chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị đề ra; thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng về phương pháp, kỷ năng, nghiệp vụ trong công tác tuyên truyền miệng; phổ biến những kinh nghiệm trong chuẩn bị nội dung tuyên truyền miệng… cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên.
Mặt khác, cấp ủy các cấp đã tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm về chủ đề đổi mới phương pháp, nội dung, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới, từ đó nhiều báo cáo viên đã nghiên cứu, áp dụng một cách phù hợp vào thực tiễn, mang lại hiệu quả thiết thực. Hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền miệng những năm qua đã thực hiện theo hướng bám sát thực tiễn, bám sát cơ sở để chuyển tải thông tin, đưa thông tin chính thống đến với đảng viên, Nhân dân; chú trọng tăng cường đối thoại giữa báo cáo viên với người nghe, khắc phục tình trạng một chiều, thụ động. Đáng chú ý, trong những năm gần đây, đa số báo cáo viên Tỉnh ủy, báo cáo viên cấp ủy cấp huyện và tương đương đã ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ cho buổi tuyên truyền miệng, góp phần vào việc nâng cao chất lượng trong hoạt động tuyên truyền.
Về nội dung tuyên truyền đã bám sát quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, bám sát nhiệm vụ chính trị; đồng thời, tập trung đầu tư nghiên cứu sâu kỹ các nội dung truyền đạt, gắn chặt lý luận với thực tiễn; quan tâm tuyên truyền những chủ đề, nội dung cán bộ, đảng viên, Nhân dân quan tâm; nội dung tuyên truyền toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, phục vụ tốt cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp. Trong quá trình tuyên truyền miệng, các báo cáo viên cấp ủy đã lồng ghép thực hiện hiệu quả việc tuyên truyền đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, các luận điệu xuyên tạc, âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ. Đa số báo cáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ vừa tuyên truyền, vừa nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, phản ánh kịp thời cho cấp ủy Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo…
Trong năm 2023, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức 11 hội nghị báo cáo viên, trong đó tổ chức bằng hình thức trực tiếp 6 hội nghị, tổ chức tiếp nhận điểm cầu trực tuyến 5 hội nghị; cung cấp cho báo cáo viên Tỉnh ủy 22 chuyên đề, trong đó 05 chuyên đề về nghị quyết, pháp luật; 03 chuyên đề về KT- XH; 02 chuyên đề về xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; 03 chuyên đề về QP-AN; 03 chuyên đề về đối ngoại; 02 chuyên đề về giáo dục truyền thống; 02 chuyên đề về tình hình thời sự khu vực, thế giới.
Các nội dung tuyên truyền được đội ngũ báo cáo viên các cấp triển khai kịp thời, đầy đủ đến các tầng lớp nhân dân. Các chuyên đề như: lấy ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân vào sửa đổi Luật Đất đai; các chuyên đề về kỷ niệm các lễ lớn của quê hương, đất nước; các chuyên đề thời sự về tình hình trong nước, khu vực và thế giới như xung đột quân sự Nga - Ucraina, Israel – Hamas; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; các diễn đàn kinh tế, an ninh khu vực; hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước được tuyên truyền, thông tin kịp thời, sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, góp phần vào định hướng thông tin, đấu tranh, phản bác các thông tin phiến diện, một chiều, sai sự thật; thông tin xấu, độc trên internet và mạng xã hội. Trong năm 2023, đội ngũ báo cáo viên các cấp tuyên truyền hơn 1.500 buổi, trong đó báo cáo viên Trung ương 35 buổi, báo cáo viên cấp tỉnh 450 buổi, báo cáo viên cấp huyện (tương đương) hơn 1.015 buổi.

 

Người có uy tín đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động người dân xã A Vao, huyện Đakrông thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước. Ảnh Báo Quảng Trị


Có thể khẳng định trong 15 năm qua, các cấp ủy Đảng đã bám sát tinh thần Chỉ thị số 17-CT/TW, thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên hoạt động thông qua các hội nghị thông tin, tuyên truyền, các buổi báo cáo chuyên đề, học tập, quán triệt các nghị quyết, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng, phương pháp và hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới, nhờ đó chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong toàn tỉnh ngày càng được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đã thực hiện tốt vai trò là kênh thông tin chính thống, trực tiếp truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phổ biến, giáo dục, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên và Nhân dân, định hướng tư tưởng trong xã hội; đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống lại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng chính trị, văn hóa; đấu tranh phòng chống “ tự diễn biến” “ tự chuyển hóa” … Cùng với các phương thức khác, hoạt động tuyên truyền miệng và hoạt động của báo cáo viên đã đóng góp tích cực vào sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tăng cường sự gắn bó giữa Đảng với Nhân dân, sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận trong toàn xã hội.
Tuy nhiên, Chỉ thị số 30 cũng đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: một số cấp ủy chưa nhận thức, quan tâm đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng; một số nơi chất lượng hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền viên còn hạn chế, thiếu sắc bén, tính thuyết phục, tính chiến đấu chưa cao, chậm đổi mới nội dung, phương thức; việc cung cấp thông tin có lúc, có nơi chưa kịp thời, đầy đủ; công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, chế độ, chính sách đối với đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên chưa được quan tâm đúng mức.
Vì vậy, thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả và phát huy thế mạnh của công tác tuyên truyền miệng, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, sự tham gia tích cực của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu đối với công tác tuyên truyền miệng…Đối với chủ trương, chính sách quan trọng, người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có trách nhiệm định hướng, phổ biến, quán triệt, bảo đảm thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội, tăng cường và củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền gắn với tăng cường tính định hướng, thuyết phục của công tác tuyên truyền miệng, nhất là những nội dung về nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của Đảng, của đất nước, của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Đa dạng hóa phương thức, nâng cao hiệu quả các loại hình tuyên truyền miệng, hướng mạnh về cơ sở; kết hợp tuyên truyền trực tiếp với trực tuyến; tăng cường hình thức trực tiếp đối với lĩnh vực, địa bàn, vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, kịp thời cung cấp thông tin, định hướng dư luận. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa tuyên truyền miệng với tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, công nghệ số, phát huy vai trò của các phương tiện thông tin truyền thông, mạng xã hội để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên.
Thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên từ Trung ương đến cơ sở. Cấp ủy đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; thực hiện chế độ, chính sách kịp thời; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và quản lý, chặt chẽ hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên thuộc thẩm quyền; tăng cường báo cáo viên, tuyên truyền viên ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiếu số.
 

Tác giả bài viết: ThS. Trần Văn Toàn, Trường Chính trị Lê Duẩn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây