Công đoàn Quảng Trị: Chủ động phối hợp phòng, chống dịch COVID-19 trong doanh nghiệp, khu công nghiệp

Thứ hai - 31/05/2021 23:31 366 0
Những ngày này, tại các khu công nghiệp ở các tỉnh, thành phố trong nước như Bắc Giang, Bắc Ninh, Đà Nẵng… ghi nhận nhiều trường hợp người lao động mắc COVID-19. Các doanh nghiệp, khu công nghiệp là nơi có số lượng, mật độ công nhân tập trung đông, môi trường lao động khép kín nên nguy cơ bùng phát dịch cao. Cũng như các địa phương khác, nguy cơ lây lan, bùng phát dịch tại các doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là rất lớn, nhất là khi tỉnh ta đã có 3 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng.
Công đoàn Quảng Trị: Chủ động phối hợp phòng, chống dịch COVID-19 trong doanh nghiệp, khu công nghiệp

Trước tình hình đó, nhằm bảo vệ sức khỏe người lao động và duy trì sản xuất, thực hiện các văn bản chỉ đạo của trung ương và của tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh tiếp tục có văn bản chỉ đạo các cấp công đoàn tăng cường công tác phòng, chống dịch trong công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm, nhất là tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp đông công nhân lao động

Theo đó, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn tập trung thực hiện biện pháp trọng tâm như: Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng đến CNVCLĐ các chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về phòng, chống dịch bệnh; vận động CNVCLĐ thực hiện nghiêm thông điệp 5 K; kịp thời cập nhật thông tin chính xác về tình hình dịch bệnh, địa điểm di chuyển của các ca bệnh… để đoàn viên biết, cảnh giác, tự khai báo y tế. Kịp thời điều chỉnh quy mô, hình thức tổ chức các hoạt động công đoàn để phù hợp với tình hình thực tế. Tạm dừng các cuộc họp, hội nghị, hoạt động tập trung đông người chưa cần thiết. Đặc biệt chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn các CĐCS  tham gia với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch tại nơi làm việc; đối với các doanh nghiệp, CĐCS cần chủ động tham gia đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế tại Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020.

Đến nay, 100% CĐCS cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã tuyên truyền CNVCLĐ nâng cao hiểu biết và ý thức phòng chống dịch bệnh; chủ động tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện các biện pháp cơ bản để phòng, chống dịch bệnh như: Tổ chức vệ sinh, khử khuẩn môi trường làm việc, nhà máy, phân xưởng; trang bị dung dịch sát khuẩn tay, khẩu trang, các áp phích tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng dịch; đo nhiệt độ người lao động trước khi vào làm việc; tham gia rà soát, sắp xếp, tổ chức công việc đảm bảo giãn cách; đề xuất ban hành quy định về phòng chống dịch của đơn vị; các đơn vị thuộc ngành y tế trang bị thêm áo quần bảo hộ, mặt nạ che giọt bắn cho cán bộ y tế trực tiếp làm nhiệm vụ tại các khu cách ly…
 

Tại Công ty TNHH Cao su Camel Việt Nam, để phòng chống dịch COVID-19, thông qua loa phát thanh của Công ty và các áp phích, công đoàn Công ty đã tăng cường tuyên truyền vận động công nhân lao động thực hiện nghiêm túc các quy định phòng chống dịch của Bộ y tế, chính quyền và Công ty, thực hiện đúng quy định 5K, nhất là yêu cầu công nhân phải đeo khẩu trang trong suốt thời gian làm việc. “Mỗi ngày chúng tôi phát loa 3 lần vào buổi sáng, trưa, chiều để tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch và cập nhật thông tin diễn biến dịch bệnh cho 450 công nhân Công ty”-  anh Trần Quang Thành - Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Cao su Camel Việt Nam cho biết. Bên cạnh đó, khi gạt thẻ vân tay để chấm công, để tránh tình trạng tập trung đông người, Công ty yêu cầu công nhân phải xếp hàng giãn cách 2 mét; khi ăn ca, Công ty yêu cầu công nhân phải giãn cách dựa vào các vạch kẻ trên bàn ăn…

Song song với tăng cường tuyên tuyền, vận động người lao động nâng cao ý thức phòng chống dịch, CĐCS Công ty Công ty TNHH MTV Dụng cụ Du lịch Jinquan Việt Nam đề xuất, tham gia với lãnh đạo Công ty ban hành quy định của doanh nghiệp về phòng, chống dịch, trong đó, quy định rõ sẽ xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động không tuân thủ. Hằng ngày, tại mỗi phân xưởng, Công ty đều tiến hành kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý. Công đoàn còn tham gia vào công tác rà soát, sắp xếp, bố trí lao động và tổ chức công việc tại Công ty để đảm bảo khoảng cách theo quy định. Công ty phân thành 5 luồng giãn cách khi đo thân nhiệt cho người lao động trước khi vào làm việc; bố trí 5 máy chấm công tại 5 khu vực và phân giờ cụ thể cho từng phân xưởng để hạn chế tập trung đông người vào 1 thời điểm khi quẹt thẻ chấm công.

“Trước đây, Công ty chỉ có 1 nhà ăn cho 1.200 lao động, nay chúng tôi đã xây dựng thêm 1 nhà ăn mới và để đảm bảo giãn cách theo quy định chúng tôi còn chia bữa ăn ca làm 2 ca, như vậy nay chỉ còn 300 người/nhà ăn. Hiện nay chúng tôi đang khẩn trương làm vách ngăn giữa các bàn ăn nhằm đảm bảo phòng ngừa tối đa nguy cơ lây nhiễm trong giờ ăn ca của công nhân.” - chị Lê Minh Ngọc - Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH MTV Dụng cụ Du lịch Jinquan Việt Nam cho biết thêm.

Cũng như Công ty TNHH MTV Dụng cụ Du lịch Jinquan Việt Nam, Ban chấp hành CĐCS Công ty TNHH Dệt may VTJ Toms đã chủ động đề xuất với Ban giám đốc Công ty thực hiện đầy đủ biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

Chị Lê Thị Hiền – Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Dệt may VTJ Toms chia sẻ: “Là một doanh nghiệp có gần 800 lao động, nếu để dịch xảy ra tại Công ty thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, việc làm, đời sống của người lao động. Ngoài làm tốt việc kiểm tra thân nhiệt cho công nhân trước khi vào làm việc, trang bị khẩu trang, nước sát khuẩn, tổ chức giãn cách khi người lao động ăn ca…, chúng tôi còn bố trí phòng cách ly cho lái xe chuyên chở nguyên vật liệu, hàng hóa đến từ ngoại tỉnh, phục vụ ăn uống tại chỗ cho người được cách ly”

Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn một số CĐCS cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa tham gia với người sử dụng lao động thực hiện đầy đủ các quy định theo Quyết định 2194/QĐ-BCĐQG của Bộ Y tế về phòng chống dịch tại nơi làm việc. Gồm quy định chung đối với tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp như chưa thành lập Ban chỉ đạo phòng chống Covid tại nơi làm việc, chưa xây dựng kế hoạch phòng chống dịch, chưa xây dựng phương án xử lý khi có dịch tại nơi làm việc... Một số các cơ sở sản xuất kinh doanh còn chưa đánh giá nguy cơ lây nhiễm để có biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn sản xuất kinh doanh.

 “Với quyết tâm không để người lao động mắc Covid, đảm bảo sản xuất an toàn,, thời gian tới, dự báo tình hình dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, khó lường, vì vậy, LĐLĐ tỉnh, LĐLĐ cấp huyện, ngành tiếp tục bám cơ sở, nhất là CĐCS doanh nghiệp đông công nhân để tích cực chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ CĐCS tăng cường tuyên truyền và chủ động phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch tại nơi làm việc theo quy định, khắc phục các hạn chế thiếu sót. Mặt khác, chủ động phối hợp tham gia kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch tại cơ sở, phản ánh kịp thời các khó khăn, vướng mắc và việc thực hiện chế độ chính sách cho người lao động, nhằm không để dịch xảy ra tại nơi làm việc, nhất là doanh nghiệp, làm gián đoạn sản xuất, ảnh hưởng đến việc làm, đời sống của người lao động và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”– đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết. Ly Na


 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây