BAN CHỈ ĐẠO PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC TỈNH SAU MỘT NĂM THÀNH LẬP: TẠO CHUYỂN BIẾN QUAN TRỌNG TRONG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC TRÊN ĐỊA BÀN

Thứ năm - 22/06/2023 20:25 344 0
“Phòng, chống tham nhũng là "chống giặc nội xâm," tức là chống những thói hư, tật xấu, nhất là sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, tệ ăn bớt, ăn cắp, ăn chặn của công dưới nhiều hình thức; tiền tài, của cải, vật chất,... do người khác "biếu xén," "cho, tặng," hối lộ... với động cơ không trong sáng. Nó thường diễn ra đối với những người có chức, có quyền. Vì vậy, đây là nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, "không nghỉ," "không ngừng" ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm; phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng"; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để "không dám tham nhũng" và một cơ chế bảo đảm để "không cần tham nhũng". Như vậy, mục đích chống tham nhũng,
Hiện nay, ở nước ta, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng phát động, lãnh đạo thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, đồng thời bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động, chống đối. Trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá toàn diện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, đồng thời đưa ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới càng cho thấy rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực này. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ “Nhìn lại chặng đường 10 năm kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã “đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần củng cố, nâng cao ý chí, niềm tin của nhân dân vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm cho đất nước ta ngày càng giàu mạnh, ngày càng phát triển, có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế”. 

          Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực, những năm qua, tỉnh Quảng Trị luôn coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Luật Phòng, chống tham nhũng, gắn công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo với thanh tra thực thi công vụ đối với một số lĩnh vực nhạy cảm, được dư luận quan tâm. Nhất là sau khi Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh được thành lập đến nay đã tròn 01 năm, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả bước đầu. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã triển khai đồng bộ các mặt công tác, tạo chuyển biến tốt về nhận thức và thực hiện nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn.

        Tháng 6/2022, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, thực hiện Quy định số 67-QĐ/TW của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập và ra mắt hoạt động Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh. Việc thành lập và tổ chức đưa Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh vào hoạt động, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trưởng ban, Bí thư Tỉnh ủy tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác PCTN, tiêu cực trên địa bàn tỉnh; là minh chứng cho sự quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ tỉnh trong công tác phòng, chống tham nhũng, thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Quảng Trị là “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo Trung ương, phục vụ đắc lực cho hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.

         Ngay sau khi thành lập, Ban Chỉ đạo đã xây dựng quy chế làm việc; quyết định phân công nhiệm vụ từng thành viên; chương trình công tác năm 2022, năm 2023 và chương trình kiểm tra, giám sát năm 2023 của Ban Chỉ đạo. Đồng thời từng thành viên Ban Chỉ đạo đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao triển khai đến tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị được phân công theo dõi chỉ đạo. Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh thực hiện chế độ làm việc theo Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo và theo Quy định số 67-QĐ/TW của Ban Bí thư. Tổ chức 04 phiên họp Ban Chỉ đạo và 04 cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo theo Quy chế làm việc, cho ý kiến một số nội dung quan trọng của Ban Chỉ đạo. Sau phiên họp, cuộc họp đều ban hành thông báo kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo để chỉ đạo các cấp ủy, cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện.

       Ban Chỉ đạo đã tập trung chỉ đạo việc quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương và các kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương, nhất là phát biểu kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 và các kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại các phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương và Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Nội chính Trung ương; Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW, ngày 01/8/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về một số nội dung công tác phòng, chống tiêu cực...; đưa nội dung công tác PCTN, tiêu cực và công khai thông tin về công tác cán bộ tại hội nghị cán bộ nghỉ hưu diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý;…

Tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 81-KH/TU, ngày 30/12/2022 về lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác PCTN, tiêu cực năm 2023 triển khai trên địa bàn toàn tỉnh; Kế hoạch số 103-KH/TU, ngày 07/4/2023 về triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng sâu rộng về nội dung tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Thông báo số 483-TB/TU, ngày 19/4/2023 về chỉ đạo xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra các sai phạm, vi phạm về PCTN, tiêu cực; Công văn số 1098-CV/TU, ngày 16/5/2023 về thực hiện Thông báo kết luận kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực tại Phiên họp thứ 23; việc bố trí cán bộ sau khi bị kỷ luật theo quy định; triển khai điều tra, khảo sát đánh giá hiệu quả công tác PCTN, tiêu cực tỉnh Quảng Trị năm 2023; triển khai xây dựng phương án lựa chọn cơ quan, đơn vị, cá nhân để xác minh tài sản, thu nhập năm 2023.

       Thông qua các phiên họp của Ban Chỉ đạo, cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra để phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực và giải quyết khiếu nại, tố cáo về tham nhũng, tiêu cực. Ban Chỉ đạo tỉnh đã chỉ đạo cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát những vấn đề nổi cộm, bức xúc như mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; thực hiện Quy chế làm việc; công tác tổ chức, cán bộ; công tác phát hiện, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực và công tác giám định, định giá tài sản trong giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, tiêu cực. Chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh rà soát tình hình hoạt động, sử dụng các trụ sở công, các công trình đầu tư công trên địa bàn tỉnh, kể cả trụ sở của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn để có giải pháp phù hợp nhằm quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, hợp lý tài sản công, chống thất thoát, lãng phí; chỉ đạo UBKT Tỉnh ủy xây dựng phương án xác minh tài sản, thu nhập năm 2023; chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thực hiện điều tra, khảo sát dư luận xã hội về hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo UBMT TQVN tỉnh thực hiện giám sát, phản biện xã hội về lĩnh vực PCTN, tiêu cực; chỉ đạo cơ quan tiến hành tố tụng phối hợp rà soát, đánh giá toàn diện các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm để đề xuất đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo… Các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra và cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt cơ chế phối hợp theo Thông tư số 03/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP-TTCP.

          Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng nghe báo cáo và chỉ đạo xử lý đối với một số vụ án, vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; chỉ đạo rà soát các dự án đầu tư trong các lĩnh vực y tế, tài nguyên môi trường, xây dựng...; chỉ đạo các ngành tập trung lực lượng, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc thuộc diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo theo nguyên tắc: “Tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó” thông qua các hội nghị giao ban nội chính, giao ban các cơ quan tiến hành tố tụng định kỳ. Đã khởi tố 07 bị can là cán bộ, đảng viên có hành vi tham nhũng, tiêu cực.

         Ban Nội chính Tỉnh ủy- cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đã phát huy vai trò tham mưu, điều hòa, hỗ trợ các thành viên Ban Chỉ đạo trong thực hiện nhiệm vụ, kịp thời tổng hợp, đề xuất biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Cụ thể, đã chủ động tham mưu thực hiện hoàn thành nhiều công việc quan trọng phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo, đã tham mưu 13 văn bản cho Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, chỉ đạo công tác PCTNTC trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các cấp ủy, cơ quan, đơn vị và thành viên Ban Chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ, kịp thời các nội dung phục vụ các phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ đạo. Ban hành các thông báo kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo tại các phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ đạo; ban hành văn bản hướng dẫn báo cáo công tác PCTNTC đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Triển khai, theo dõi, đôn đốc cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị thực hiện các thông báo kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo tại các phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ đạo. Theo dõi, đôn đốc cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh xử lý vụ án, vụ việc tham nhũng trên địa bàn. Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy tham mưu tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ ngành Nội chính Đảng và phổ biến, quán triệt văn bản mới về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với hơn 250 đại biểu tham gia. Hội nghị được các đại biểu đánh giá rất cao, nhiều nội dung mới, chuyên sâu, phù hợp với thực tiễn áp dụng tại đơn vị, địa phương. Tham mưu đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tổ chức 12 phiên tiếp công dân định kỳ theo Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị theo đúng đối tượng quy định. Triển khai và hoàn thành việc rà soát các kết luận thanh tra, thực hiện kiến nghị của Kiểm toán nhà nước năm 2021 - 2022 theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Hướng dẫn 06-HD/BNCTW của Ban Nội chính Trung ương và chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. Qua công tác rà soát, đã đôn đốc, thu hồi nộp ngân sách nhà nước số tiền sai phạm chưa thu hồi được hơn 3,8 tỷ đồng. Tổ chức Hội nghị giao ban các Tổ Tham mưu giúp việc huyện, thị, thành ủy về công tác nội chính, cải cách tư pháp và PCTN, tiêu cực; đã rà soát để sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn số 01-HD/BNCTU, ngày 26/5/2017 về “Hướng dẫn hoạt động của Tổ Tham mưu giúp việc huyện, thị, thành ủy” theo yêu cầu thực tế và các quy định mới của Trung ương, của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

  Nhìn chung, từ khi Ban chỉ đạo cấp tỉnh được thành lập đến nay, có thể khẳng định công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh bước đầu đã tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành và các địa phương. Công tác PCTN,TC trên địa bàn tỉnh ngày càng được đẩy mạnh theo đúng quan điểm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN,TC. Tuy nhiên, Ban chỉ đạo PCTN, TC cấp tỉnh mới đi vào hoạt động, đang trong quá trình vừa làm, vừa học, vừa hoàn thiện, rút kinh nghiệm nên vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, khó khăn. Đó là, việc tự phát hiện hành vi tham nhũng, lãng phí trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế; số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý còn thấp; nạn sách nhiễu, “tham nhũng vặt” vẫn chưa được giải quyết hiệu quả. Lĩnh vực nội chính, cải cách tư pháp và PCTN, tiêu cực là lĩnh vực khó, phạm vi rộng, phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; quy định bảo vệ người phát hiện, người tố giác, đấu tranh, xử lý tham nhũng, tiêu cực hiện hành chưa thật sự tạo niềm tin chắc chắn để khuyến khích người dân an tâm, tích cực tham gia tố giác, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nên chưa khuyến khích được việc tố giác hành vi tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân.

Để tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng đối với công tác PCTN, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTN,TC tỉnh, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu rộng và triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, kết luận của Trung ương, của tỉnh về PCTN, tiêu cực, trước hết là trong cấp ủy, lãnh đạo chính quyền, trong các cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan tố tụng để công tác phát hiện và xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng thật sự trở thành khâu đột phá trong công tác PCTN, tiêu cực. 

Thứ hai, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án nói chung, vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nói riêng. Tập trung kiểm tra, giám sát, thanh tra ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nơi có nhiều tố cáo, khiếu nại, dư luận xã hội quan tâm, bức xúc. Chủ động thông tin về kết quả kiểm tra, thanh tra, xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm; về khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế; về những vấn đề nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm trong đấu tranh PCTN, tiêu cực gắn với việc tuyên truyền gương người tốt, việc tốt; bảo vệ, khen thưởng, động viên những người dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng để tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.

Chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, thu hồi tài sản các vụ án, vụ việc đã được phát hiện. Thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp trong quá trình kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Thứ ba, chỉ đạo cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động đề ra các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí thiết thực, hiệu quả; chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí và các hành vi bao che, cản trở việc chống tham nhũng, lãng phí; chủ động yêu cầu các cơ quan chức năng báo cáo các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm để kịp thời chỉ đạo xử lý; thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp phát hiện, xử lý sai phạm ngay trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Tiếp tục đẩy mạnh, tạo chuyển biến rõ rệt hơn nữa trong phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở; xử lý nghiêm những trường hợp nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Thứ tư, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội và nhân dân trong giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động của các cơ quan chức năng trong PCTN; phát hiện, tố giác những hành vi tham nhũng.

Thứ năm, các thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục nắm vững, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác theo quy định; hoạt động “đúng vai, thuộc bài” như chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN,TC. Cơ quan thường trực và các cơ quan, đơn vị, địa phương củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức, xây dựng lực lượng cán bộ công chức làm công tác PCTN, tiêu cực đảm bảo số lượng, chất lượng; thường xuyên đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu công tác; đồng thời trang bị, đầu tư phương tiện, cơ sở vật chất  phục vụ công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.

Tác giả bài viết: Hải Yến

Nguồn tin: tinhuyquangtri.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây