ĐỔI MỚI CÔNG TÁC ĐÁNH GIÁ CÁN BỘ CỦA ĐẢNG HIỆN NAY

Thứ tư - 05/07/2023 03:49 647 0
Cán bộ và công tác cán bộ có vai trò rất quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng, là vấn đề then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Trong đó, đánh giá cán bộ là khâu đầu tiên và là khâu quan trọng nhất trong công tác cán bộ.
ĐỔI MỚI CÔNG TÁC ĐÁNH GIÁ CÁN BỘ CỦA ĐẢNG HIỆN NAY
Đánh giá cán bộ có nghĩa là nhận xét, xem xét, cân nhắc, bày tỏ thái độ và quan điểm của tổ chức hoặc cá nhân được tổ chức phân công đối với cá nhân người khác trên những khía cạnh như: phẩm chất đạo đức, lối sống; bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng; năng lực công tác, trình độ nhận thức; tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật. Mục đích của đánh giá cán bộ là để phân loại cán bộ, tìm và sử dụng cán bộ một cách hợp lý, phát huy được năng lực của người cán bộ. 
Vấn đề cán bộ và công tác cán bộ là vấn đề hệ trọng, từ lâu đã được các nhà kinh điển của Chủ nghĩa Mác-Lênin đề cập tới trong các tác phẩm của mình. C. Mác và Ph.Ăng ghen đã chỉ rõ: “Muốn thực hiện tư tưởng thì cần có những con người sử dụng lực lượng thực tiễn”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Vì vậy, theo Người phải phải biết rõ cán bộ, đánh giá đúng cán bộ. Đánh giá cán bộ là khâu tiền đề của công tác cán bộ. Hồ Chí Minh cho rằng, cứ mỗi lần xem xét lại cán bộ, “một mặt sẽ tìm thấy những nhân tài mới, mặt khác thì những người hủ hóa cũng lòi ra”. Đánh giá đúng cán bộ không chỉ nhằm phát hiện cái hay của họ để khuyến khích, phát huy mà còn thấy cái dở để góp ý, giúp đỡ họ sửa chữa, khắc phục. Khi đánh giá cán bộ, Bác Hồ yêu cầu những người làm công tác cán bộ phải có quan điểm biện chứng, nhìn mọi sự vật, hiện tượng đều không ngừng biến đổi. Vì thế, khi xem xét, đánh giá cán bộ, “quyết không nên chấp nhất” mà phải có cái nhìn toàn diện. Người chỉ rõ: “Nhận xét cán bộ không thể chỉ căn cứ vào những biểu hiện bên ngoài của họ, mà phải đi sâu tìm hiểu bản chất của họ; không thể chỉ dựa vào một việc làm của họ, mà phải tìm hiểu tất cả các công việc mà họ thực hiện; không thể chỉ xem xét cán bộ trong một thời điểm, mà phải thấy rõ lịch sử của họ”.  
 Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi ra đời cho đến nay, luôn quan tâm đến công tác cán bộ, trong đó xác định đánh giá cán bộ là tiền đề cho các khâu tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, thực hiện chính sách cán bộ. Trong những năm qua công tác đánh giá cán bộ được nhiều cấp ủy, địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm túc và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác đánh giá cán bộ đã có nhiều đổi mới và thực hiện theo một quy trình khá chặt chẽ, như: bản thân cán bộ tự đánh giá; tập thể nơi công tác đánh giá; cơ quan, tổ chức theo dõi cán bộ đánh giá; cấp ủy nơi công tác và nơi cư trú đánh giá; cấp trên và cấp dưới đánh giá; các tổ chức đoàn thể mà cán bộ đó là thành viên đánh giá; lấy ý kiến nhận xét, góp ý của quần chúng nhân dân... 
Trong công tác cán bộ, đánh giá đúng cán bộ là cơ sở cho phát huy được tiềm năng đội ngũ cán bộ, để bản thân cán bộ có phương hướng đúng trong phấn đấu, rèn luyện; là cơ sở để thực hiện đúng chính sách cán bộ, biểu dương, tôn vinh những cán bộ hoàn thành xuất sắc trách nhiệm được giao, có đóng góp, có cống hiến cho đất nước, cho địa phương, đơn vị; đồng thời phê bình những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, không nêu gương, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với tổ chức Đảng. Đánh giá đúng cán bộ là yếu tố quan trọng góp phần xây dựng tình đoàn kết, thống nhất trong cơ quan, địa phương, đơn vị, góp phần ổn định chính trị, động viên, phát huy được tính tích cực của nhân dân, cán bộ vào sự nghiệp chung. Ngược lại nếu đánh giá sai cán bộ, nhất là người đứng đầu dễ gây ra những phân tâm trong cán bộ, ảnh hưởng đến đoàn kết nội bộ, làm giảm lòng tin, có khi mất cả phong trào ở mỗi địa phương, ngành, đơn vị. Đảng ta đã ban hành nhiều quy định về đánh giá cán bộ như: Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Quyết định số 68-QĐ/TW ngày 4-7-2007 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử; Quyết định số 286-QĐ/TW ngày 08-2-2010 của Bộ Chính trị khóa X về việc ban hành Quy chế đánh giá cán bộ, công chức; Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức, Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) đã xác định, một trong những vấn đề bất cập, cần tập trung giải quyết nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp hiện nay là công tác đánh giá cán bộ. Xuất phát từ tầm quan trọng của công tác cán bộ,  Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã chỉ ra 5 bài học kinh nghiệm, trong đó bài học thứ ba nhấn mạnh: “Phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm công tác cán bộ là "then chốt" của công tác xây dựng Đảng, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Vì vậy, phải đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu thật sự có đức, có tài, có uy tín trong Đảng và nhân dân”.
Tuy nhiên, việc đánh giá cán bộ vẫn được xác định là một khâu khó và yếu qua nhiều nhiệm kỳ, nhưng chậm được khắc phục; tình trạng nể nang, né tránh trách nhiệm, ngại va chạm và dân chủ hình thức trong đánh giá cán bộ vẫn còn tồn tại ở các cấp; không ít trường hợp đánh giá cán bộ còn chủ quan, cảm tính cá nhân, dễ người dễ ta, cục bộ địa phương, hoặc bị các mối quan hệ xã hội khác chi phối nên chưa phản ánh chính xác phẩm chất, năng lực của cán bộ, ảnh hưởng đến chất lượng chung của công tác cán bộ.
Từ những kết quả đạt được, để công tác cán bộ nói chung và đánh giá cán bộ nói riêng ngày càng nâng cao chất lượng, các tổ chức, cấp có thẩm quyền  cần tập trung lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ cơ bản sau:
Một là, trong đánh giá cán bộ phải căn cứ vào tiêu chuẩn của mỗi loại cán bộ của Đảng để xem xét. Tiêu chuẩn cán bộ là sự cụ thể hóa những yêu cầu khách quan của đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng thành những tiêu chí đòi hỏi cán bộ cần phải có. Đánh giá cán bộ trên cơ sở tiêu chuẩn hóa từng chức danh chứ không chỉ qua lời nói, viết lách, sự nhanh nhẹn bề ngoài hay nhìn vào bằng cấp, học hàm, học vị. Người đánh giá cán bộ phải nắm đường lối, quan điểm, nhiệm vụ chính trị của Đảng. Phải lấy hiệu quả công việc và uy tín trước nhân dân làm thước đo chủ yếu để đánh giá cán bộ.
Hai là, đánh giá cán bộ phải khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển. Để đánh giá cán bộ một cách công tâm, chính xác, khách quan và toàn diện, có thể sử dụng một số phương thức như: phê bình và tự phê bình; thu thập và xử lý thông tin; đặc biệt là phương thức dựa vào ý kiến đánh giá của quần chúng nhân dân. Nhân dân luôn khách quan, biết rõ ai luôn sống vì cộng đồng, ai chân thật, ai dối trá… Bằng nhiều kênh, nhiều biện pháp tích hợp thông tin, các cấp quản lý cán bộ sẽ có được kết quả đánh giá chính xác nhất. Người đánh giá cán bộ phải có thái độ đúng, công tâm, vô tư. Cần tránh tình trạng hình thức, xuê xoa, chiếu lệ, thiếu tính chiến đấu, thiếu tinh thần xây dựng.
Ba là, việc đánh giá phải đảm bảo đúng quy trình và đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ. Đánh giá cán bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ là phát huy cao nhất sức mạnh trí tuệ tập thể, cấp ủy có thẩm quyền. Những nhận xét về cán bộ nhất thiết do tập thể có thẩm quyền quyết định sau khi lắng nghe đầy đủ ý kiến cơ quan, tổ chức liên quan. Thực hiện đúng quy trình đánh giá, tuyển chọn theo tiêu chuẩn mà Đảng, Nhà nước đã đề ra.
Bốn là, kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ. Cơ quan tổ chức và những người làm công tác tổ chức cán bộ, nhất là người đứng đầu phải công tâm, khách quan, trung thực, luôn xuất phát vì lợi ích chung. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ thật sự trong sạch, vững mạnh theo hướng: đổi mới tư duy theo hướng đột phá; nâng cao tầm nhìn mang tính chiến lược; hành động phải quyết liệt, mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ, hiệu quả; nêu cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao tinh thần trách nhiệm công vụ, đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp, lòng đam mê, sự vô tư, trong sáng, tâm huyết với nhiệm vụ được giao; tích cực đổi mới lề lối làm việc, phong cách công tác theo hướng dân chủ, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch, nhất quán; dũng cảm đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân, vụ lợi, tệ quan liêu, lãng phí, tiêu cực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. 
                                             

Tác giả bài viết: Xuân Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây