PHÁT HUY TỐT PHONG TRÀO THI ĐUA “DÂN VẬN KHÉO”, THỰC HIỆN THẮNG LỢI CÁC MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI CỦA TỈNH QUẢNG TRỊ TRONG TÌNH HÌNH MỚI HIỆN NAY

Thứ tư - 18/05/2022 02:40 884 0
Công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của nước ta. Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Thực hiện tốt công tác dân vận là giải pháp để góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tình hình mới hiện nay.
Đ/c Mai Xuân Tâm – Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy trình bày chương trình phối hợp
Đ/c Mai Xuân Tâm – Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy trình bày chương trình phối hợp
Trong suốt quá trình lãnh đạo, với quan điểm sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Đảng luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng, là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân. Một trong những bài học quan trọng góp phần làm nên những thành tựu to lớn xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc là bài học “Lấy dân làm gốc”, phát huy vai trò làm chủ, sức sáng tạo và nguồn lực của Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đây là tư tưởng xuyên suốt góp phần vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, vượt qua mọi khó khăn và giành được nhiều thắng lợi vĩ đại. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Thấm nhuần và vận dụng những quan điểm đó, trong những năm qua dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh luôn được coi trọng và đạt được những kết quả tích cực. Các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận được quán triệt, phổ biến sâu rộng tới các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và được cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đơn vị. Để đẩy mạnh hơn nữa công tác dân vận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 460- QĐ/TU, ngày 15/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Quảng Trị”; Trung ương ban hành Kết luận số 114- KL/TW, ngày 14/7/2015 của Ban Chấp hành Trung ương “Về nâng cao hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước các cấp” và Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 16/5/2016 về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”. Để cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả các quy định, kết luận, chỉ thị nói trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã xây dựng và ban hành các quyết định, quy chế, chương trình hành động... để tổ chức và triển khai thực hiện công tác dân vận trong hệ thống chính trị phù hợp với tình hình thực tiễn.
Các mô hình “Dân vận khéo” đã được các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong toàn tỉnh đồng tình hưởng ứng, gắn với việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, phát huy dân chủ, chủ động tham gia giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh. Trong sản xuất, kinh doanh nổi bật là các mô hình ở địa bàn nông thôn, như hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng trang trại, gia trại, phát triển các làng nghề, các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ... Các mô hình này thu hút nhiều lao động, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, hình thành chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường, qua đó cùng giúp nhau xoá đói giảm nghèo. Các mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới cũng phát triển mạnh mẽ, điển hình như các phong trào, mô hình hay như: “Khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu”, “Sạch làng, đẹp ruộng”, “Thắp sáng làng quê”, “Quỹ tiết kiệm xây dựng nông thôn mới”; phong trào xây dựng “Làng văn hóa, gia đình văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”... Hội Cựu Chiến binh các cấp cũng xây dựng nhiều mô hình tiêu biểu như: tổ hợp tác, quỹ “Nghĩa tình đồng đội”, quỹ “Xóa nghèo cho hội viên”. Ngoài ra, trong các tầng lớp nhân dân còn có nhiều mô hình tiêu biểu khác như: “Tổ liên gia”, “Tổ tự quản”, “Tổ hoà giải”, “Khu dân cư không có tội phạm, tệ nạn xã hội”, “Gia đình, dòng họ không có người phạm tội, mắc tệ nạn xã hội”, “Tổ an ninh nhân dân”, Đội dân phòng, “Phúc lợi cho đoàn viên công đoàn”, “Tết sum vầy”, “Mái ấm Công đoàn”, “Thanh niên tình nguyện bảo vệ môi trường”, “Tổ phụ nữ thu gom, phân loại rác thải”... Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đăng ký xây dựng 3.569 mô hình “Dân vận khéo” thuộc các lĩnh vực. Đến nay có hơn 1.750 mô hình đạt điển hình “Dân vận khéo” ở các cấp, trong đó 24 tập thể và 21 cá nhân điển hình nên đã có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội. 
Tuy vậy, công tác dân vận trong hệ thống chính trị ở một số địa phương trong tỉnh  vẫn chưa đồng đều. Một số cấp ủy chậm đổi mới phương thức lãnh đạo đối với công tác dân vận; việc cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao. Công tác dân vận các cơ quan nhà nước tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ Nhân dân của một phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; một số cơ chế, chính sách ban hành chưa sát với tình hình thực tiễn nên chưa đáp ứng nguyện vọng, lợi ích chính đáng của Nhân dân; việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại một số địa phương, đơn vị có lúc còn hình thức... 
Để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội đảng Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 về công tác dân vận đã đề ra trong điều kiện mới, các cấp ủy đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trong tỉnh xem xét nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp uỷ, cán bộ, đảng viên về công tác dân vận, đặc biệt là nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác “Dân vận khéo” trong tình hình hiện nay. Thường xuyên quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận, trọng tâm là Kết luận 43-KL/TW ngày 07/01/2019 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Quyết định 23-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; Chỉ thị số 13 - CT/TU ngày 28/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Trị về “tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”; Quyết định số 460- QĐ/TU, ngày 15/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Quảng Trị” . Kịp thời cụ thể hóa và triển khai thực hiện trong hệ thống chính trị một cách phù hợp và hiệu quả.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với hiện đại hóa nền hành chính, nhất là thực hiện có hiệu quả  Chỉ thị số 13/ CT-TTg, ngày 10/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách thủ tục hành chính. Tăng cường, đổi mới công tác giáo dục cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan hành chính nhà nước, nâng cao đạo đức công vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ tham mưu về công tác dân vận của các cơ quan, đơn vị.
Ba là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động gắn với xây dựng và nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” trong tập hợp, vận động nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương; kịp thời giải quyết tháo gỡ kịp thời những điểm nóng, những  vấn đề khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp. Phát huy rõ nét vai trò giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội.
Bốn là, xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở có năng lực phẩm chất chính trị, đạo đức, tận tụy với nhân dân. Có giải pháp thiết thực để khắc phục những khuyết điểm, hạn chế sau kiểm điểm hàng năm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI,XII) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng đảng hiện nay” gắn với thực hiện Chỉ thị 05- CT/TW của Bộ Chính trị về “ Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và có cơ chế, chính sách động viên đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, mặt trận, đoàn thể các cấp; thường xuyên cần trau dồi phẩm chất, đạo đức, phong cách công tác, thực sự thấm nhuần phương châm: “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.

Tác giả bài viết: Phạm Xuân Ngọc - Trường Chính trị Lê Duẩn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây