“Đề cương về văn hóa Việt Nam”năm 1943 – ngọn cờ tập hợp văn nghệ sĩ, trí thức tham gia cách mạng và xây dựng nền văn hóa mới

Thứ năm - 02/03/2023 00:17 545 0
Có thể nói, nền văn học nghệ thuật Việt Nam hình thành qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ là một trong những trang rực rỡ nhất trong lịch sử văn học nghệ thuật nước nhà và nó đã trở thành vũ khí sắc bén giúp một dân tộc nhỏ bé chiến thắng những kẻ thù mạnh hơn mình gấp nhiều lần. Khơi nguồn, mở lối cho nền văn nghệ đó chính là “Đề cương về văn hóa Việt Nam” do đồng chí Trường Chinh khởi thảo năm 1943, trong hoàn cảnh Đảng vẫn còn hoạt động bí mật, đang làm công tác vận động cách mạng.
Lúc bấy giờ, Nhân dân ta đang chịu cảnh áp bức một cổ hai tròng của thực dân và phong kiến, hơn 90% dân số nước ta mù chữ, đời sống tinh thần xã hội ngột ngạt, nhiều văn nghệ sĩ, trí thức Việt Nam có phần hoang mang, bi quan, bế tắc. Việc tìm đường, nhận đường của nhiều văn nghệ sĩ, trí thức yêu nước gặp những lúng túng, bế tắc. Đời sống văn chương lâm vào khủng hoảng, nói như Nguyễn Tuân sau này là “nguy cơ của cả một nền văn học” đã bày ra trước mắt. Văn học lãng mạn về cơ bản đã đi hết đoạn đường rực rỡ nhất của nó, đã bắt đầu bộc lộ những lối đi khác trước nhưng thần bí và bế tắc hơn. Văn học hiện thực không còn dáng vẻ lực lưỡng và đi vào những vấn đề trực diện như giai đoạn trước dù Nam Cao đang mở ra cho mình một hướng đi mới vào vấn đề nhân cách và số phận con người. Đó đây trong sáng tác của Tô Hoài, Nguyên Hồng lộ rõ cái không khí “ngột ngạt không chịu nổi” đã thấy cảm giác “cuộc sống không thể mãi cứ thế này” nhưng đi đâu, theo hướng nào thì vẫn chưa lộ diện. Chiến tranh, khủng hoảng xã hội đã làm cho văn học đánh mất dần đi những giá trị tích cực vốn có của nó. Tất cả những điều này có nguy cơ ảnh hưởng đến việc “nhận đường” cho một giai đoạn quan trọng của thời kỳ chuẩn bị cách mạng xã hội.

Ý thức được những điều này, Đảng ta xác định, việc cần kíp ngay lúc này là thống nhất nhận thức, tư tưởng định hướng học thuật cho văn nghệ sĩ, trí thức xây dựng phong trào văn hóa cứu quốc, nhằm đập tan chính sách ngu dân, âm mưu đồng hóa văn hóa của thực dân Pháp, và tập hợp mọi tầng lớp nhân dân đi theo cách mạng. Chính vì vậy, trong “Đề cương về văn hóa Việt Nam”, Đảng ta đã sớm khẳng định vai trò của văn hóa, coi đây là 1 trong 3 mặt trận cùng với chính trị và kinh tế và văn nghệ sĩ cũng là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Ra đời trong bối cảnh lịch sử đó, bản Đề cương đã có sức lôi cuốn, quy tụ, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trí thức, văn nghệ sĩ tích cực tham gia cách mạng và xây dựng nền văn hóa mới.

“Đề cương về văn hóa Việt Nam” năm 1943 đã đem lại một không khí mới cho văn hóa Việt Nam. Sự khai phóng về tư tưởng văn hóa, đường hướng trở về với dân tộc, Nhân dân và góc nhìn sự vật dưới con mắt biện chứng đã đem lại một cảm hứng mới cho những người làm văn hóa, những trí thức đang muốn thay đổi, muốn tìm đường đi mà chưa thấy lối. Sự cởi mở về khâu tập hợp lực lượng, đoàn kết toàn dân, cố kết cộng đồng trong những ngày đầu cách mạng đã làm thay đổi nhận thức xã hội. Sự tin yêu vào chủ trương cứu quốc, văn hóa soi đường cho quốc dân đi, đã khiến nhiều văn nghệ sĩ, nhân sĩ, các nhà hoạt động văn hóa từ bỏ quan niệm cũ, chấp nhận một thế giới quan và nhân sinh quan mới. Đây là cuộc nhận đường đầu tiên của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ để đến với cách mạng. Họ là những người tiên phong đi đến với cách mạng và là lực lượng chủ chốt để tham gia xây dựng nền văn hóa mới. Họ ý thức rằng phục vụ công nông binh, phục vụ tuyên truyền cho những nhiệm vụ chính trị là mệnh lệnh của Tổ quốc trong giai đoạn ấy và cũng hiểu rằng Tổ quốc cần họ thực hiện trách nhiệm công dân trước khi chọn chỗ đứng cho riêng mình. Nhà văn Nam Cao đã nói đến tâm tư của mình và cũng là nhận thức chung của giới văn nghệ sĩ là “sống đã rồi hãy viết” vì sự sống còn của dân tộc quan trọng hơn những theo đuổi riêng tư, kể cả chuyện cầm bút. Trăn trở của các nhà văn Nguyễn Tuân, Hoài Thanh, Nguyễn Đình Thi... trong kháng chiến chống Pháp là những suy nghĩ thực của họ. Họ chân thành muốn thay đổi, chân thành muốn cống hiến, chân thành muốn đứng cùng đội ngũ của những người ở tuyến đầu vì bản chất công việc của họ là như vậy, trách nhiệm công dân của họ là vậy. Không phải ngẫu nhiên mà sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 hầu hết các trí thức, văn nghệ sĩ đã nhìn thấy con đường đi với Nhân dân, phụng sự Tổ quốc là con đường lớn cho sự nghiệp và cuộc đời mình. Họ nhận thức được chân lý, niềm tin khoa học nhờ một phần ánh sáng soi đường của “Đề cương văn hóa Việt Nam 1943”.

Vì vậy, “Đề cương về văn hóa Việt Nam” được xem như ngọn cờ tập hợp các trí thức, văn nghệ sỹ, những người yêu nước, có tinh thần dân tộc đi theo cuộc trường chinh đầy gian khổ và vinh quang của dân tộc. Việc coi văn hóa, nghệ thuật là một mặt trận, văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận đó dẫn đến phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”; xuất hiện nhiều bài thơ, câu chuyện, bức tranh... truyền cảm hứng về tình yêu nước, tinh thần đoàn kết đã trở thành vũ khí tinh thần cực kỳ quan trọng cổ vũ ý chí, quyết tâm chiến đấu cho quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc. Mac Namara - nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - từng chia sẻ trong hồi ký: Quân đội Mỹ thua Việt Nam vì vấp phải một dân tộc cố kết với nhau bằng truyền thống văn hóa lâu đời của mình. Thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến cũng là thắng lợi của nền văn hóa Việt Nam, một nền văn hóa có bề dày hàng nghìn năm và được Đảng phát huy ở một tầm cao mới.

Ngày nay, bên cạnh những khó khăn, thách thức đặt ra cho công tác văn hóa, văn nghệ; chúng ta thấy rằng phần đông đội ngũ văn nghệ sĩ vẫn một lòng theo Đảng, thông qua tác phẩm của mình đã thể hiện những nét mới trong sáng tạo nghệ thuật, kịp thời biểu dương những nhân tố mới, con người mới, những tấm gương lao động cần cù, sáng tạo, gắn bó đầy tình nghĩa… có tác dụng động viên, khích lệ, nâng đỡ con người, nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm nhân cách con người Việt Nam hôm nay và góp phần vào công cuộc xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong thời đại mới. Tất cả những điều đó được khởi nguồn từ sự ra đời của “Đề cương về văn hóa Việt Nam”- cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Đảng ta.

Tác giả bài viết: Minh Huyền

Nguồn tin: tinhuyquangtri.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây